Vì sao nhiều phụ nữ bị cưỡng hiếp trong biểu tình Ai Cập?

Các vụ tấn công tình dục phụ nữ liên tiếp xảy ra trong những ngày biểu tình vừa qua, trước khi Tổng thống Morsi bị lật đổ là nhằm phục vụ cho mục đích chính trị, CNN nhận định.

Nhà báo Mỹ Mona Eltahawy hồi tháng 11/2011 bị các binh sĩ Ai Cập đánh gãy tay và tấn công tình dục.

Tuần trước, một nữ nhà báo Hà Lan 22 tuổi bị cưỡng hiếp tại quảng trường Tahrir đã phải trải qua phẫu thuật vì bị thương nặng. Dina Zakaria, nhà báo Ai Cập, cho biết những kẻ hãm hiếp nhà báo Hà Lan tự gọi họ là những “nhà cách mạng”. Theo nhóm Anti-Sexual Harassment, chỉ riêng ngày chủ nhật tuần trước, 30/6, đã xảy ra 46 trường hợp tấn công tình dục phụ nữ. Ngày hôm sau, 1/7, có thêm 17 vụ nữa.

Trước đó, khi Tổng thống Mubarak bị lật đổ, nữ nhà báo người Mỹ Lara Logan cũng bị đánh đập và làm nhục. Cũng giống như nhà báo Hà Lan, Logan phải nhập viện để điều trị vết thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Cùng thời điểm đó, đồng nghiệp của Logan là Mona Eltahawy cũng bị các binh sĩ Ai Cập đánh cho gãy tay và hãm hiếp.

Sau những vụ việc như vậy, không ai phải chịu trách nhiệm, phạt hay bắt giữ. Nhiều nhóm cảnh vệ được thành lập để theo dõi các vụ việc trên song đó cũng chỉ giải quyết về mặt hình thức.

Theo CNN, thông qua những kẻ lạm dụng tình dục, giới chức Chính phủ muốn gửi đến phụ nữ một thông điệp: Hãy ở nhà, đừng tham gia vào các vấn đề chính trị và chính phủ.

"Việc tấn công tình dục các nhà báo nước ngoài nhằm thu hút sự chú ý của thế giới là cách truyền tải thông điệp trên một cách hiệu quả. Nếu muốn phụ nữ ở nhà, không tham gia vào các cuộc biểu tình chính trị thì còn cách nào hơn là tấn công tình dục tại một quốc gia mà trinh tiết của người phụ nữ rất được coi trọng", CNN nhấn mạnh.

Theo hãng tin này, nhóm Huynh đệ Hồi giáo của Tổng thống vừa bị lật đổ Morsi muốn phụ nữ không có quyền lực nào trong đảng phái của họ. Bằng chứng là phụ nữ chỉ giữ 8/498 ghế trong Huynh đệ Hồi giáo. Chính quân đội và cảnh sát cũng tham gia vào các vụ bạo lực đối với phụ nữ.

Samira Ibrahim, một người biểu tình, kiện một bác sĩ quân đội đã ép cô và một số nhà hoạt động nữ khác cởi quần áo để kiểm tra trinh tiết hồi tháng 3/2011 sau khi cô bị bắt giữ vì biểu tình tại Quảng trường Tahrir.

Trong khi đó, Aljazeera dẫn lời Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng, đây chính là mưu đồ của phe đối lập. "Những cuộc tấn công tình dục lan tràn trong suốt các vụ biểu tình ở quảng trường Tahrir sẽ cho thế giới thấy sự thất bại của Chính phủ trong việc đối mặt với tình trạng bạo lực mà phụ nữ ở Ai Cập phải trải qua hàng ngày ở nơi công cộng".

Dù là thông điệp chính trị từ phe nào thì những hành động bạo lực tình dục đó cũng đáng lên án và cần được chặn đứng, bất chấp việc cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này có đi đến hồi kết hay không.

Nhóm Huynh đệ Hồi giáo

Nhóm này do học giả Ai Cập Hassan el-Banna thành lập năm 1928 tại nước này và lúc đầu hoạt động như một tổ chức xã hội truyền bá đạo Hồi, mở trường học, xây cất bệnh viện và điều hành một số công ty kinh doanh nhằm tài trợ cho các hoạt động của tổ chức.

Từ năm 1936, Huynh đệ Hồi giáo bắt đầu trở thành một lực lượng chính trị đối lập xuyên quốc gia, có mặt ở khắp nơi như: Tây Á, châu Phi và thậm chí ở Mỹ. Sau khi được Hassan el-Banna thành lập, các chi nhánh của tổ chức mọc lên khắp Ai Cập - mỗi nhánh điều hành một thánh đường Hồi giáo và một câu lạc bộ thể thao - và các thành viên cũng từ đó tăng lên một cách nhanh chóng.

Vào cuối thập niên 40 thế kỷ trước, Huynh đệ Hồi giáo có đến 2 triệu thành viên và hệ tư tưởng của tổ chức này lan rộng khắp thế giới Ả Rập.

Huynh đệ Hồi giáo được cho là một tổ chức ngoài vòng pháp luật, có những hoạt động bí mật và thường bị chính quyền các nước (nhất là Ai Cập ) thẳng tay đàn áp. Dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak, Huynh đệ Hồi giáo được coi là lực lượng chính trị đối lập có quyền lực và ảnh hưởng mạnh nhất.

Kể từ phong trào mùa xuân Arập bùng nổ năm 2011, Huynh đệ Hồi giáo nổi lên là một đảng phái chính trị mạnh nhất và Mohammad Morsi là ứng cử viên tổng thống của tổ chức này giành được chiến thắng vào tháng 6/2012.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại