Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, Triều Tiên và Hàn Quốc đã thể hiện một sự đoàn kết hiếm hoi khi cùng nhau quyết liệt lên án Nhật Bản làm "biến dạng" lịch sử. Tại phiên tranh luận mở ở Hội đồng Bảo an LHQ, hai miền Triều Tiên thống nhất quan điểm cho rằng phương thức lãnh đạo bảo thủ của Nhật Bản đã gây ra căng thẳng về vấn đề lịch sử và chủ quyền tại Đông Bắc Á.
Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Oh Joon cáo buộc các nhà lãnh đạo Nhật Bản có "cái nhìn lệch lạc về những gì đã xảy ra trong thời kì chủ nghĩa đế quốc". Theo Yonhap, bình luận của ông Oh ám chỉ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đền Yasukuni hồi tháng 12 năm ngoái và quyết định của chính phủ về việc dạy cho học sinh nước này rằng đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc chủ quyền của Nhật Bản.
Chính phủ của Thủ tướng Hàn Quốc Park Geun Hye đã tiến hành một chiến dịch quốc tế quyết liệt hơn nhằm cáo buộc Nhật Bản xuyên tạc lịch sử và là thủ phạm gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia láng giềng.
Theo ông Oh, "Nhật Bản đã không thể giải quyết một cách hợp lý hoặc thoát khỏi quá khứ quân phiệt của mình. Đây là lí do cơ bản đằng sau nhiều cuộc xung đột mang tính định kì về các vấn đề lịch sử trong khu vực".
Trong khi đó, phó Đại sứ Triều Tiên ở LHQ Ri Tong Il nói rằng nước này sẽ không bao giờ quên những gì Nhật Bản đã làm và rằng Nhật Bản sẽ phải trả giá về điều đó. Ông Ri kêu gọi Thủ tướng Abe không viếng thăm đền Yasukuni, nơi ghi danh 14 tội phạm chiến tranh loại A trong Thế chiến thứ Hai nữa.
Các quan chức ngoại giao của Trung Quốc cũng lên tiếng tiếp lời phía Hàn Quốc, gay gắt chỉ trích Nhật Bản.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi cáo buộc Nhật Bản “cố gắng đảo ngược bản án của chiến tranh”, đồng thời chỉ trích "các nỗ lực thay đổi lịch sử đang làm mất ổn định hòa bình khu vực và gây ra thách thức nguy hiểm đối với đường lối hòa bình của loài người”.
Về phần mình, Nhật Bản một lần nữa khẳng định nước này đã xin lỗi về những việc làm sai trái trong quá khứ. Phó Đại sứ Nhật Bản ở LHQ Kazuyoshi Umemoto nói rằng, việc dạy cho học sinh về chủ quyền của quốc gia là điều tự nhiên, đồng thời thẳng thắn cho rằng việc biến các vấn đề như thế này trở thành nguyên nhân của các tranh cãi về ngoại giao và chính trị là điều không phù hợp.