Công tác bảo vệ an ninh biên giới lãnh thổ của Thái Lan được thực hiện rất đa dạng và thông qua những biện pháp đơn giản. Một trong những biện pháp này là phối hợp với người dân thiểu số địa phương bằng cách tạo công ăn việc làm, giúp họ có thu nhập ổn định để yên tâm định cư cùng quân đội bảo vệ đất nước.
Tại tỉnh Ratchaburi, miền Trung Thái Lan, nơi có một phần biên giới lãnh thổ với Myanmar, chính quyền ở đây đang cho triển khai một dự án mang tên "Vườn rừng Hoàng gia," mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cả người Thái lẫn người dân tộc thiểu số Karen đang sống quây quần trong khu vực này.
Hiện nay, thu nhập trung bình của người dân trong khu vực dự án đạt vào khoảng từ 7.000 đến 10.000 baht/tháng (khoảng 250-300 USD). Họ đã có cuộc sống ổn định và sẵn sàng tham gia bảo vệ biên giới đất nước, bảo vệ chính cuộc sống đang ngày càng phát triển của họ.
Tướng Noppadol Wattanotai, người chỉ huy dự án, nói: "Dự án này ban đầu có mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi trọc trên diện tích gần 500ha, với 4km đường biên giới với Myanmar. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện nó đã được chuyển đổi vừa trồng rừng vừa đào tạo nghề thủ công nhằm cải thiện cuộc sống nghèo đói, mang lại sự ấm no cho người dân địa phương.
Trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa nương nhưng nhờ có dự án, giờ đây họ đã biết thêu vẽ, làm gốm xứ, mây tre đan và dệt vải. Những công việc đó mang lại thu nhập ổn định, giúp họ yên tâm định cư tại khu vực rừng núi biên giới này."
Chị Rosarin Rathet, thợ thêu người dân tộc, cho hay: "Trước đây, tôi đi làm thuê, làm mướn đủ các việc. Công việc rất bấp bênh và không ổn định. Tôi đã tham gia vào dự án này được gần bảy năm. Hiện nay, tôi đã có thu nhập khá và ổn định nhờ công việc thêu ren này. Một bức thêu thông thường phải mất khoảng 4-5 tháng mới hoàn thành và bán được khoảng 10.000 baht. Tôi được hưởng phần công làm, tiền vật liệu và các thứ khác trả lại cho dự án. Ngoài ra, hàng ngày tôi vẫn được hưởng 130 baht tiền lương."
Chị Nampuak Chirchai, người Thái tại khu vực dự án, tâm sự: "Tôi là người dân vùng này, sống trong khu vực dự án. Tôi đã tham gia dự án này được hơn 10 năm. Công việc đan mây tre của tôi ở đây rất tốt. Tôi có thu nhập ổn định 150 baht mỗi ngày, không cần phải lang thang kiếm việc vất vả hàng ngày như trước đây. Tôi cho rằng dự án này đã giúp được những người dân nghèo như tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn."
Dự án "Vườn rừng Hoàng gia" này đã tồn tại và phát triển trong hơn 20 năm qua nhờ tìm được đầu ra cho các sản phẩm thủ công, ngoài những khoản ngân sách thường xuyên từ Hoàng gia Thái Lan. Các sản phẩm do người dân nơi đây làm ra đã được chính dự án thu mua lại để đem đi tiêu thụ. Tiền ngân sách từ Hoàng gia được chia thành các quỹ minh bạch dùng để khám chữa bệnh miễn phí hoặc cấp học bổng cho con em dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, những người thực hiện dự án còn dùng tiền ngân sách mua trâu bò nhằm giúp người dân tộc thiểu số thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp, thay việc trồng lúa nương bằng lúa nước và sử dụng trâu đi cày. Điều này cũng giúp người dân "có bắt ăn, bắt để" và thu nhập ổn định hơn từ việc làm ruộng.
Anh Pele Kuaphua, người dân tộc thiểu số, nói: "Trước đây, nhà chúng tôi cấy lúa nương. Nhưng khi dự án này có trâu cày, chúng tôi đã được mượn và được dạy cách cho trâu đi cày, do vậy, tôi đã chuyển sang làm lúa nước. Công việc làm ruộng hiện tại cũng đủ thu nhập để nuôi gia đình, gồm cả hai đứa con đi học phổ thông nữal."
Tướng Noppadol nói: "Dự án này đang thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Tạo được công ăn việc làm để người dân địa phương ổn định cuộc sống cũng chính là việc tạo cho họ sức mạnh để góp phần bảo vệ biên giới của tổ quốc."