Ngày mai, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có chuyến công du khẩn cấp tới Kiev, Ukraine. Mục đích của chuyến đi này không gì khác là tìm giải pháp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng đang ngày một leo thang tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ này và ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày một lớn mạnh theo mỗi bước tiến của quân đội Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki tuyên bố, ông Kerry sẽ nhóm họp với giới lãnh đạo mới của Ukraine và quốc hội nước này nhằm "tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ trước vấn đề chủ quyền, độc lập và thống nhất lãnh thổ của Ukraine".
Chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất trong ngành ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền trung ương Ukraine đang đối mặt với tình huống bất lợi chưa từng có. Các lực lượng quân đội Nga "đang hoàn toàn giành quyền kiểm soát" khu vực phía nam bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ tìm cách đối đầu trực tiếp với Nga về quân sự, mặc dù trước đó, khi đề cập đến phản ứng của phương Tây trước việc Nga đưa quân ồ ạt đến Crimea, ông Kerry đã từng nói “mọi phương án đều đang được bàn thảo”, một phát ngôn mà nếu hiểu theo ngôn ngữ của giới ngoại giao thì Mỹ có thể tính đến cả phương án sử dụng vũ lực.
Trước chuyến đi ngày mai của ông Kerry, một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ không cho biết danh tính đã nói với phóng viên Reuters rằng “Ngay lúc này, tôi nghĩ chúng ta đang tập trung vào các giải pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao… Thẳng thắn mà nói, mục tiêu của chúng ta là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine chứ không phải gây leo thang quân sự. Tôi không nghĩ rằng chúng ta tập trung vào ý tưởng về một hình thức can thiệp quân sự nào đó của nước Mỹ…”
Trước đó, bản thân ông John Kerry cũng cho rằng “Ở thế kỷ 21, chúng ta không thể cư xử như hồi thế kỷ 19 bằng cách xâm lược một nước khác trong một bối cảnh được dàn dựng”
Ngoại trưởng Mỹ liệt kê một số biện pháp mà Mỹ đang cân nhắc để trừng phạt Nga như cấm cấp thị thực, đóng băng tài sản, cô lập thương mại, và thay đổi về đầu tư: “Các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ cân nhắc thận trọng hơn về việc liệu họ có muốn làm ăn với một nước cư xử như vậy.”
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các đòn trừng phạt về kinh tế của Mỹ sẽ hầu như không có tác dụng, trừ khi các nước lớn ở châu Âu, vốn có quan hệ thương mại chặt chẽ và phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga cũng thực thi các biện pháp mạnh.