Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) ngày 29/12 đã ra tuyên bố cáo buộc các tổ chức công đoàn kích động đình công khiến các nhà máy may mặc nước này phải ngừng sản xuất.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, GMAC đã gửi thư lên án việc các tổ chức công đoàn kêu gọi công nhân biểu tình trong những ngày qua. Các hành động đình công, bãi công không chỉ dẫn tới tình trạng phá hoại tài sản nhà máy, đe dọa người lao động muốn làm việc mà còn gây tắc nghẽn giao thông, rối loạn quá trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa, khiến các nhà máy bị thiệt hại nặng nề về kinh tế.
GMAC cảnh báo các tổ chức công đoàn kích động đình công sẽ phải chịu mọi trách nhiệm cho những thiệt hại của người lao động về tiền lương, việc làm và hậu quả suy giảm tính cạnh tranh đầu tư của nền kinh tế.
Đồng thời, GMAC kêu gọi Bộ Lao động và đào tạo nghề Campuchia cùng các tổ chức công đoàn đảm bảo sự an toàn cho các công nhân muốn làm việc cũng như bảo vệ tất cả tài sản của các nhà sản xuất để các nhà máy thuộc GMAC tiếp tục hoạt động.
Kể từ ngày 25/12, một số tổ chức công đoàn ở Campuchia đã kêu gọi công nhân trong lĩnh vực giày da, dệt may tổ chức đình công phản đối quyết định tăng lương tối thiểu cho công nhân từ 80 USD/tháng lên 95 USD/tháng, để yêu cầu tăng lên mức 160 USD/tháng. Các cuộc đình công của công nhân đã diễn ra trên diện rộng khiến các nhà máy may mặc buộc phải đóng cửa.
Tại một số nơi các cuộc đình công đã vượt quá tầm kiểm soát khi xuất hiện bạo lực, đập phá tài sản, tấn công cảnh sát. Lĩnh vực sản xuất may mặc và giày da được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Campuchia, chiếm tới 70-75% tổng kim ngạch xuất khẩu và sử dụng khoảng 500.000 công nhân.
Năm 2012, Campuchia xuất khẩu hơn 4,5 tỷ USD hàng may mặc và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn của thế giới. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, giá trị hàng xuất khẩu may mặc của Campuchia đã đạt mức 5 tỷ USD.