Liên hợp quốc dự kiến sẽ tước quyền ngôn ngữ chính thức của tiếng Nga - một trong những ngôn ngữ được sử dụng ở tổ chức này. Một đại diện của Viện ngôn ngữ học trường Đại học Harvard (Harvard Department of Linguistics) đã thông báo như vậy sau khi Jim Noland - một quan chức LHQ đã tới đây và tiến hành tư vấn, theo hãng UNN của Ukraine đưa tin.
Theo lời của ông Noland, tiếng Nga trở thành ngôn ngữ làm việc tại LHQ là do áp lực của Liên Xô lúc thành lập LHQ, "mặc dù ngôn ngữ này chưa bao giờ xứng đáng để được quy chế như vậy", tờ UNN nhận định.
Ông Noland giải thích rằng ở thời điểm này các nước Trung và Đông Âu, từng một thời là vệ tinh của Liên Xô, đã không còn để ý và sử dụng tiếng Nga nữa. Trong lớp trẻ ở các nước Liên Xô cũ, số người quan tâm học tiếng Nga ít hơn nhiều so với số học tiếng Anh. Kết quả là, theo lời chuyên gia này, thì diện tích phân bố của tiếng Nga sau 5 năm nữa chỉ còn Nga, Belarusia và một phần Kazacstan.
Do vậy, như Noland thông báo, LHQ có kế hoạch từ bây giờ thay đổi một phần của biên bản quy định việc sử dụng ngôn ngữ. Thay thế vị trí tiếng Nga đang là ngôn ngữ chính thức tại LHQ có thể sẽ là tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Bengal hay Quốc tế ngữ (Esperanto).
Hiện tại tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Arab và Tây Ba Nha đang là những ngôn ngữ chính thức được dùng ở LHQ.
Như các báo chí Ukraine đã đưa tin, Ukraine đã bắt đầu quá trình trình tài liệu lên tòa án Quốc tế của LHQ để kiện việc Liên bang Nga cung cấp tài chính cho lực lượng khủng bố gắn với những sự kiện tại miền Đông Ukraine.