Theo thông cáo của Hội đồng châu Âu, EU sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 5 ngân hàng lớn của Nga là Sberbank, VTB Bank, Gazprombank, Rosselkhozbank và Vneshekonombank.
Theo đó, các cá nhân và doanh nghiệp của EU không được phép mua bán các trái phiếu mới, cổ phần thông qua các công cụ tài chính khác với kỳ hạn thanh toán 30 ngày (thay vì kỳ hạn 90 ngày theo thông báo trước đó) do các ngân hàng quốc doanh lớn của Nga hoặc các đơn vị hoạt động trên danh nghĩa của họ.
Ngành công nghiệp khí đốt của Nga được cho là sẽ không nằm trong gói trừng phạt mới này, đặc biệt là không có sự hiện diện của Gazprom, nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới của EU cũng sẽ đưa 3 nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nga là Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, vào danh sách các doanh nghiệp nhà nước Nga không được phép huy động vốn từ thị trường châu Âu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp của EU cũng bị cấm các hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ nước sâu, sản xuất và khai thác dầu khí ở Bắc Cực cũng như các tham gia dự án khai thác Đá phiến dầu ở Nga.
Thêm vào đó, nhà sản xuất xe tăng chiến lược Uralvagonzavod, công ty hàng không vũ trụ Oboronprom và Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) cũng phải phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới.
Ngoài ra, EU áp lệnh cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản với 24 cá nhân, trong đó gồm nhiều các quan chức, các thành viên chính phủ của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk cũng như của Nga.
Binh sĩ Ukraine ở vùng Dotnesk, miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Trước đó, tại cuộc họp bất thường diễn ra tối 8/9, Đại sứ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11/9 (giờ Mỹ) đã thông báo Washington sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga về những hành động của nước này ở Ukraine nhằm cô lập Moscow hơn nữa bất chấp lệnh ngừng bắn đã đạt được giữa Kiev và quân ly khai được công bố gần 1 tuần trước.
Vài ngày trước, lệnh cấm vận mới của EU đối với Nga bị trì hoãn sau khi một số nước thành viên nói họ muốn đợi xem tình tình thực tế ở Ukraine. Trong số các biện pháp trừng phạt mới có việc các công ty dầu khí và quốc phòng lớn của Nga bị cấm tìm kiếm tài chính ở thị trường vốn châu Âu.
Đáp lại, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu các đối tác phương Tây “tiếp tục kích động sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế”, Nga sẽ đáp trả “tương xứng” đối với bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào, trong đó nhiều khả năng sẽ đóng cửa không phận với hàng không phương Tây.
Lệnh cấm vận của EU đã làm đồng rúp của Nga tụt giá xuống mức kỷ lục trong khi chứng khoán ở Nga đã tụt giảm. Giới quan sát nhận định lệnh cấm vận mới của phương Tây sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế vốn đang bên bờ vực suy thoái của Nga.