Bất ngờ, linh hoạt và tàn nhẫn với đối thủ là những gì mà lực lượng chiến binh Hồi giáo ISIS (còn gọi là ISIL) - nay là IS - đã làm suốt vài tháng qua hòng "nuốt chửng" vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq. Song, chuyên gia phân tích Michael Knights, người đã từng làm việc khắp Iraq và nay đang là nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận Đông ở Washington (Mỹ) nhận định, "là lực lượng phòng thủ, ISIS có thể sẽ phải chật vật để thủ thế nếu bị tấn công cùng một lúc từ nhiều phương diện hoặc nếu các đồng minh ủng hộ chúng bắt đầu phản bội".
Bài báo của hãng tin Anh CNN với tiêu đề "Gót chân A-sin của ISIS là bảo vệ những gì giành được" dẫn lời ông Knights cho rằng, ISIS có một đội ngũ những chuyên gia hoạch định quân sự tài năng, những cựu thành viên lực lượng nổi dậy Iraq trong thời gian Mỹ hiện diện tại đó. Nó có một nhà nước nhỏ bên trong Syria và có những phần tử thánh chiến ở nước ngoài, những người từng tham chiến ở Chechnya và vùng Balkans.
"Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại ISIS đang tăng tốc, còn khả năng tiếp tục định hình và kiểm soát cuộc xung đột của lực lượng này sẽ gặp phải nhiều thử thách".
Xe bọc thép, súng hạng nặng sẽ thành bẫy chết người
Theo CNN, có thông tin cho rằng ISIS đang sử dụng xe tăng M-1 Abrams và xe bọc thép Humvee do Mỹ sản xuất sau khi thu giữ chúng từ tay quân đội Iraq. ISIS cũng sở hữu xe tăng T-55 của Iraq, do Liên Xô sản xuất - bằng chứng là lực lượng này đã sử dụng nó trong một cuộc giao tranh nhằm phá vòng vây tại thị trấn Amerli hồi đầu tháng này.
Về phần mình, ông Knights cho rằng: "ISIS chắc chắn đã tịch thu 200-300 chiếc Humvee và có thể sẽ để chúng hoạt động trong nhiều tháng trước khi cần phụ tùng thay thế. Nhưng số lượng các loại phương tiện do Mỹ cung cấp khác đang hiện diện rất hạn chế ở Iraq. Chỉ rất ít trong số những chiếc xe bị thu giữ hoạt động tốt, bởi ngay cả Iraq cũng gặp khó khăn trong việc vận hành chúng".
Knights nhận định, chẳng có bằng chứng nào cho thấy chiến binh ISIS có khả năng sử dụng M-1 Abrams hay các khẩu lựu pháo 155mm do Mỹ sản xuất.
Cũng theo CNN, ISIS cũng sở hữu nhiều xe bọc thép với súng máy hạng nặng so với thời điểm trước tháng Sáu. Tuy vậy, Knights đã dẫn ra sự thua cuộc của lực lượng này tại đập Mosul hồi giữa tháng và cho rằng: "Khi phải đối mặt với không quân Mỹ hoặc thậm chí các lực lượng an ninh Iraq và người Kurd đang dần phục hồi, các phương tiện này sẽ trở thành cái bẫy chết người".
Lực lượng an ninh người Kurds bảo vệ đập Mosul sau khi chiếm lại được từ tay phiến quân ISIS hôm 18/8.
Giết hại dân thường là "con dao hai lưỡi"
Cũng theo chuyên gia này, ISIS có khoảng 15.000 chiến binh đóng tại một khu vực rộng lớn, trải dải từ phía bắc Syria đến giữa Iraq - một con số tương đối ít ỏi. Đây có thể là lý do giải thích vì sao ISIS muốn tiêu diệt dân cư tại một số thị trấn của Iraq.
Chiến lược này có thể trở thành con dao hai lưỡi, bởi chính việc sống trong một cộng đồng dân cư đông đúc cũng có thể là cách giúp chúng tự bảo vệ mình.
Trong khi đó, trên thực tế, đã có bằng chứng cho rằng lực lượng không quân Iraq sẵn sàng không kích ngay cả khi có dân thường.
Yếu tố bất ngờ bị "vô hiệu hóa"
Việc sử dụng yếu tố bất ngờ sẽ dần mất tác dụng, đặc biệt là khi Lực lượng an ninh Iraq ISF và lực lượng an ninh Peshmerga của người Kurd bắt đầu nhận được những thông tin tình báo từ hoạt động do thám của Mỹ cung cấp.
Trả lời phỏng vấn CNN, ông Knights tiết lộ rằng, theo các nguồn tin từ người Kurd, cách đây 2 tuần, ISIS từng cố gắng thâm nhập thị trấn Tuz Khurmatu vào buổi tối. Song lực lượng phiến quân này đã bị quân đội Mỹ phát hiện và cung cấp các thông tin cần thiết về tòa độ, giúp lực lượng pháo binh người Kurd đẩy lùi được nhóm phiến quân này.
Nhà phân tích Knights cho biết "lực lượng đặc biệt của Mỹ dường như hoạt động dọc tuyến đầu, kiểm tra một cách trực quan và nhận diện mục tiêu. Các nhân viên của Mỹ ở Irbil đang giúp phối hợp hành động giữa người Kurd và lực lượng không quân Iraq và tránh "các cuộc tấn công từ trong nước"".
Lính Iraq trên một cánh đồng ở Sakhr, Iraq sau khi được cho là đẩy lùi chiến binh thánh chiến Hồi giáo khỏi khu vực này
Ông này cho biết thêm, nói về cách phòng thủ, ISIS "sử dụng bom bên đường và xe bom được kích nổ từ xa, nhằm tạo ra chướng ngại vật có thể phát nổ dọc theo các tuyến đường chính và ở các thành phố trọng điểm. Nhưng, Mỹ đã chỉ ra rằng, bên cạnh các nguồn thông tin, họ có thể phát hiện chúng từ xa và phá hủy từ trên không".
"Một ưu tiên quan trọng khác của ISIS là phản công - đây gần như là một phản ứng bản năng đối với các khu vực bị mất kiểm soát. Nhưng những đoàn xe của ISIS tham gia phản công dễ dàng trở thành miếng mồi cho không quân Mỹ và thậm chí là cả phi công Iraq".
Và nếu ISIS buộc phải phòng vệ nhiều hơn tấn công, còn người Sunni, nếu - gần như chắc chắn - hỗ trợ, ủng hộ hoặc ưng thuận động thái này thì họ sẽ phải nghĩ lại.
"Nếu ISF và các lực lượng của người Kurd tiến hành các cuộc tấn công có chọn lọc vào thêm nhiều chiến trường", ISIS và các đồng minh của chúng "chắc chắn sẽ bị phân tán, đặc biệt là nếu khả năng di chuyển và các lực lượng tham gia cuộc phản công lớn còn hạn chế."
Kì vọng lớn, cách thể hiện thô sơ
Kì vọng của những người ủng hộ ISIS cũng trở thành vấn đề với lực lượng phiến quân Hồi giáo. Chính kì vọng lớn lao đó đã khiến cho sự tín nhiệm của ISIS tăng lên, các chiến binh nước ngoài và thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi theo dòng Sunni tăng lên đổ xô tới gia nhập lực lượng. Tuy nhiên, việc phiến quân này tuyên bố thành lập một nhà nước riêng đồng nghĩa với việc chúng phải "chứng minh được thành trì của chúng có khả năng phòng vệ, hoặc ít nhất là ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng quân đội đối thủ", nhà nghiên cứu Jessica Lewis từ Viện nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Tuy nhiên, cách mà ISIS đang thể hiện khả năng bảo vệ những gì đã đạt được theo một cách thô sơ. Lực lượng này đã thành công phục kích quân đội Iraq và lực lượng dân quân Shia khi họ cố gắng chiếm lại Tikrit. Tuy nhiên, vị trí phòng thủ và các cuộc phản công có thể dự đoán được đã khiến lực lượng này dễ bị không kích.
Các nhà quan sát cho rằng cho tới nay, ISIS vẫn đang trên đà trỗi dậy, và liên tục chứng tỏ khả năng chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc, bình định hoặc kiểm soát thị trấn, làng mạc, trong khi đối thủ của chúng là ISF đã suy yếu sau nhiều năm bị can thiệp chính trị và dưới sự lãnh đạo yếu kém. CNN nhận định, việc ISF có khả năng lấy lại Mosul trong thời gian sớm có vẻ là điều xa vời.
Sự phối hợp tốt hơn giữa các đối thủ, cùng với tác động tâm lý của ISIS trong việc tiếp tục giữ thế phòng thủ, có thể bắt đầu đảo ngược tình thế. Song đa phần các chuyên gia đểu cho rằng Iraq vẫn chưa tiến gần tới sự bắt đầu của giai đoạn kết thúc trong cuộc chiến chống lại ISIS, chứ chưa nói tới việc dự đoán kết thúc đó.