Nga đang "loay hoay" tìm hướng đi vì đã lâm vào thế khó ở Syria?

My Lan |

Sau thảm kịch máy bay Nga, truyền thông và giới chuyên gia đa phần đều cho rằng, dù trách nhiệm có thuộc về khủng bố hay không thì Moscow đều có lợi. Sự thực có phải vậy?.

Tiến thoái lưỡng nan

Nếu cuộc điều tra vụ máy bay Nga rơi ở Sinai (Ai Cập) hôm 31/10 kết luận rằng nó đúng là bị bom phá hủy, thì điện Kremlin sẽ buộc phải đưa ra phản ứng, tuy nhiên, lựa chọn của họ lại bị ràng buộc bởi các vấn đề hậu cần và chính trị.

Báo Nga The Moscow Times đánh giá, cho tới nay, dường như Tổng thống Putin và chính quyền của ông này vẫn chưa đưa ra được quyết định sẽ làm thế nào để ứng phó với thảm họa máy bay này.

Nhà phân tích người Nga Yury Barmin chỉ ra rằng, việc Moscow "giảm nhẹ" khả năng tấn công khủng bố và sau đó bất ngờ cấm máy bay Nga bay tới Ai Cập là phản ứng thể hiện sự bối rối.

"Đây là lần đầu tiên kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria vào cuối tháng Chín, Putin không chắc phải làm gì sau đó".

Theo các nhà phân tích, hiện chính phủ Nga đang không buộc phải đưa ra các quyết sách về chính sách đối ngoại theo áp lực của công chúng.

Thế nhưng, một sự thay đổi đáng kể trong dư luận có thể đặt Kremlin vào vị trí khó xử, nếu họ hoặc kêu gọi mở cuộc tấn công trên bộ, hoặc rút quân hoàn toàn.

Nhà phân tích người Nga
Yury Barmin
Giờ đây, khá dễ dàng để thuyết phục người Nga rằng hành động khủng bố là dấu hiệu cho thấy tính hiệu quả của các cuộc không kích và rằng, họ không thể dừng lại khi mà chiến thắng chỉ còn cách một bước chân nữa thôi.

Cốt lõi tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà Putin đang gặp phải nằm ở chỗ, quân đội của ông không có khả năng hỗ trợ một chiến dịch diễn ra trên diện rộng hơn nữa tại Syria, đặc biệt là liên quan tới các lực lượng mặt đất.

Về mặt chính trị, ông này cũng không thể rút khỏi Syria và cũng khó có thể theo đuổi việc hợp tác với liên minh của phương Tây.

Ông Mark Galeotti, chuyên gia về các vấn đề an ninh và quân sự Nga tại Đại học New York nhận định: "Việc triển khai các lực lượng mặt đất, dù là bao nhiêu, cũng sẽ nguy hiểm, và thẳng thắn mà nói, sẽ khó cho Nga...

Rút quân không phải là một lựa chọn, còn cơ hội để hợp tác hơn nữa (với liên minh phương Tây tại Syria) thực sự rất mong manh".

Dù thế, ông này thẳng thắn cho rằng, động thái tiếp theo của Kremlin cũng sẽ chỉ loanh quanh được từng đó, hoặc thêm nữa là phóng một số tên lửa hành trình từ biển Caspian để trả thù và tiêu diệt kẻ thù, "chứ không phải là một sự thay đổi lớn, lâu dài trong chiến lược".

"Sẽ chỉ có giới hạn"

The Moscow Times cho rằng, lựa chọn thứ nhất của Putin là sử dụng thảm kịch máy bay Nga để kêu gọi sự ủng hộ của người dân Nga cho chiến dịch trên bộ ở Syria.

Tuy vậy, khả năng để nước này làm được điều đó bị giới hạn rất nhiều bởi sự thiếu thốn về hậu cần cũng như khả năng hứng chịu phản ứng dữ dội từ công chúng, nếu mọi thứ đi sai hướng.

"Vấn đề của Nga là họ không thể tăng và cũng không thể duy trì về mặt hậu cần cho hoạt động trên bộ quy mô lớn... 5.000 quân là giới hạn của họ rồi, trong khi họ cần 20.000 - 3000 quân mới có thể thành công", theo chuyên gia quan hệ quốc tế Vladimr Frolov.

Ngay cả khi Nga có thể tăng được số quân lên con số đó, thì họ cũng gặp khó khăn với dư luận Nga - những người mà theo The Moscow Times, sẵn sàng tin theo truyền thông cho tới khi cuộc sống của họ bị trực tiếp ảnh hưởng.

Ông Barmin thì nhận định, nhiều khả năng Nga vẫn sẽ tăng cường thêm lực lượng của mình, dù không nhiều, song "chúng ta có thể sẽ không được chứng kiến chiến dịch trên bộ ở Syria, bởi nó dường như sẽ thành công thức cho thảm kịch".

Ông Mikhail Barabanov, tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief thuộc Trung tâm Phân tích Công nghệ và Chiến lược, cũng đồng quan điểm trên và cho rằng, bất cứ sự tăng cường thêm sức mạnh nào của Nga trong cuộc xung đột này cũng sẽ chỉ có giới hạn.

Nhà báo Nga
Vladimr Frolov
Có thể Nga sẽ tăng quy mô các nhóm không kích ở Syria và triển khai một số lượng hạn chế lực lượng "kỹ thuật" trên mặt đất - các đơn vị pháo binh, tên lửa....

Lựa chọn thứ hai là tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với liên minh chống IS của phương Tây.

Tuy nhiên, The Moscow Times đánh giá, lựa chọn này cũng sẽ trở nên khó khăn bởi nó buộc Nga phải thay đổi chiến lược ở Syria cho phù hợp với liên minh phương Tây – điều mà Putin sẽ cảm thấy rất khó chịu.

Trong khi đó, ông Frolov vẫn làm quan cho rằng, dù Kremlin có lựa chọn thế nào thì vẫn sẽ được dư luận Nga ủng hộ. "Không bị buộc phải giải trình về chính sách đối ngoại, Kremlin khá tự do để hành động theo cách mà họ thấy phù hợp".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại