Ngày 8-5, sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Việt Nam, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã có cuộc gặp gỡ báo chí.
Ông Daniel Russel mạnh mẽ phê phán các hành động vũ lực đơn phương và cho rằng cần theo luật pháp quốc tế. Ông nói:
- Không có gì ngạc nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam lần này tôi và các quan chức Việt Nam đã thảo luận tình hình ở biển Đông... Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: tất cả các nước trong khu vực cần kiềm chế để tránh các hành động đơn phương có thể đặt hòa bình vào tình trạng nguy hiểm.
Điều tôi đặc biệt nhấn mạnh trong các thảo luận với các quan chức Việt Nam là Mỹ có quan điểm mạnh mẽ rằng các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, trong đó có các vùng thuộc quần đảo Hoàng Sa, phải được xử lý một cách hòa bình, thông qua các biện pháp ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi cũng đã nêu rõ cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải cũng như tầm quan trọng tuyệt đối là các nước có tranh chấp phải kiềm chế. Nền kinh tế toàn cầu và kinh tế khu vực quá quan trọng và quá mong manh nên không thể đối phó với căng thẳng nếu nó gia tăng thành xung đột. Vì vậy, tôi kêu gọi các quốc gia ở khu vực nên kiềm chế các hành động đơn phương mà có thể đặt hòa bình vào tình trạng nguy hiểm và làm gia tăng căng thẳng.
* Ông có nói các bên ở biển Đông phải kiềm chế sử dụng vũ lực. Nhưng những gì chúng tôi thấy trên màn hình tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy các tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu Việt Nam. Ông bình luận gì về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực với các tàu Việt Nam?
- Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành động nguy hiểm nào gây ra trên biển và chúng tôi phản đối các hành động hăm dọa của các tàu, đặc biệt ở các khu vực đang tranh chấp. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục khẳng định thông điệp của mình thông qua các kênh ngoại giao, chính trị và thông qua báo chí, rằng mỗi bên phải ứng xử một cách an toàn, có trách nhiệm và phù hợp.
* Việt Nam có yêu cầu gì từ Mỹ trong vụ việc này?
- Các quan chức Việt Nam trong khi thảo luận thừa nhận quan điểm của Mỹ và tôi tin rằng họ chấp nhận rằng Mỹ không có quan điểm về các lý lẽ tương đối liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Trong các cuộc họp, không có ý nào từ phía Việt Nam cho tôi thấy họ yêu cầu sự tham gia của quân đội Mỹ. Nếu có, tôi sẽ nhấn mạnh những điểm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu, cụ thể là: các vấn đề này cần được giải quyết hòa bình và tuân theo luật pháp quốc tế.
* Giàn khoan HD981 đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vốn đã được luật pháp quốc tế thừa nhận. Bộ Ngoại giao Mỹ phát ngôn về vấn đề này lại nói vùng này liên quan đến vùng tranh chấp... Phải chăng Trung Quốc đã thành công trong việc để quốc tế hiểu lầm rằng có tranh chấp ở đây?
- Mỹ không đưa ra quan điểm về các lý lẽ của các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông. Công bằng mà nói, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Có tranh chấp ở đây. Mỹ không thể nói quan điểm của bên nào là mạnh hơn. Nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và xử lý vấn đề theo cách tuân thủ luật pháp quốc tế.
* Mỹ đã nêu quan điểm ủng hộ Philippines, nhưng sự kiện ở bãi cạn Scarborough cho thấy Trung Quốc vi phạm nhiều lần. Vậy việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở khu vực này có phải là hệ quả của thái độ chưa cương quyết của Mỹ về duy trì hòa bình ở biển Đông?
- Sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippines vốn vững chắc, không có nghĩa là Mỹ ủng hộ Philippines đòi chủ quyền đối với một thực thể lãnh thổ cụ thể nào ở biển Đông. Chúng tôi có quan điểm với một số vấn đề nhất định, nhưng không có quan điểm đối với những vấn đề khác. Chúng tôi có quan điểm về tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, về tầm quan trọng tự do hàng hải và không cản trở thương mại hợp pháp. Chúng tôi có quan điểm về tính thiêng liêng của cam kết của chúng tôi với Philippines như một đồng minh hiệp ước. Nhưng chúng tôi không đưa ra quan điểm đối với các lý lẽ tương đối của những yêu cầu chủ quyền của Philippines. Đó là sự khác biệt quan trọng.
Nước nào cũng có quyền bênh vực quan điểm của họ về các yêu cầu chủ quyền. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của Mỹ là sự bênh vực đó phải mang tính ngoại giao. Đặc biệt, các biện pháp thúc đẩy yêu cầu chủ quyền của một bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOS).
* Ý ông là yêu cầu của Trung Quốc thực tế đã vi phạm luật pháp quốc tế?
- Chúng tôi tin rằng tuyên bố ở Washington đã nêu rõ rằng có nhiều tiếng nói yêu cầu Trung Quốc định nghĩa lại các yêu cầu của họ theo quy định UNCLOS.
* Nếu trong trường hợp xảy ra xung đột khi Việt Nam buộc phải dùng vũ lực chống lại Trung Quốc, liệu Mỹ có ủng hộ Việt Nam không?
- Truyền thống lâu dài và nổi bật trong ngoại giao là suy nghĩ cho kỹ trước khi trả lời một câu hỏi bắt đầu bằng từ “nếu”. Bởi vì đây là câu hỏi giả định. Điều tôi đã nói và xin nhắc lại là quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi rất rõ: Mỹ kêu gọi các nước và các bên tranh chấp kiềm chế, tận dụng các kênh ngoại giao và chính trị để giảm căng thẳng, để quản lý tranh chấp và cuối cùng để giải quyết các vấn đề chủ quyền. Mỹ có quan điểm từ lâu rằng các nước tranh chấp cần tận dụng quyền sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế. Liên quan đến sự việc cụ thể này, thông điệp đơn giản của tôi là kiềm chế, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế.