Ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông ở viện nghiên cứu Đông Nam Á Singapore cho rằng động thái triển khai giàn khoan HD-981 của Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam tiềm tàng "kịch bản vô cùng nguy hiểm".
"Đã xảy ra những cuộc đối đầu giữa các tàu khảo sát trước đây, song đây là một diễn biến mới. Đã có nhiều suy đoán về cách mà Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan mới này và bây giờ thì dường như chúng ta đã có câu trả lời. Nó đã đặt Việt Nam vào thế khó".
"Họ (Việt Nam) phải đối phó với thách thức đối với chủ quyền của mình, và khi họ làm vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ có động thái đáp trả. Vì thế, chúng ta đang ở trong tình thế tiềm tàng một kịch bản đầy nguy hiểm".
Nhận định về việc Việt Nam lên tiếng cứng rắn phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD - 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, Reuters dẫn lời một học giả Việt Nam giấu tên nhận định đây là những hành động mạnh mẽ nhất của Việt Nam kể từ năm 1992.
Cũng theo học giả Storey, "hành động này của Trung Quốc, hoặc là nhằm gửi thông điệp tới Tổng thống Obama sau chuyến thăm của ông này tới châu Á, hoặc là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi vụ khủng bố ở Tân Cương".
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo đã triển khai giàn khoan nước sâu HD-981 tại biển Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014, đồng thời cấm tất cả các tàu đi vào vùng biển trong bán kính 3 dặm từ khu vực khoan.
Trước động thái đó, ngày 4/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định toạ độ hoạt động của giàn khoan của Trung Quốc nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Ngày 6/5, Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, phản đối hành động đơn phương này của Trung Quốc.
Xem thêm Video: Tàu Nhật Bản cảnh báo tàu Trung Quốc đến gần Senkaku/Điếu Ngư:
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA