Tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia đánh giá, căng thẳng xung quanh động thái Trung Quốc đưa giàn khoan HD - 981 vào khu vực gần biển Hoang Sa của Việt Nam là lần đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong vài năm trở lại đây, đánh dấu bước leo thang đáng kể trong âm mưu của Bắc Kinh nhằm đòi hỏi chủ quyền phi pháp tại vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên.
Chuyên gia cấp cao Theresa Fallon tại Viện Nghiên cứu châu Á tại Brussels, Bỉ, cho rằng, động thái của Trung Quốc là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” của ngành công nghiệp năng lượng trong khu vực và nhằm chọc giận Việt Nam. “Đây là một giàn khoan lớn, có kích thước gấp khoảng 2 lần sân bóng đá".
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ cho hay Nhà Trắng coi động thái leo thang mới nhất trên biển Đông là một phần trong hình mẫu hành vi của Trung Quốc trong thời điểm nước này tiếp tục tìm cách củng cố những đòi hỏi chủ quyền trái phép tại những khu vực tranh chấp.
“Chúng tôi thực sự rất lo ngại về vấn đề này. Chúng tôi đã bày tỏ sự lo ngại của mình với phía Trung Quốc”.
Chuyên gia cấp cao Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định cuộc đối đầu đang diễn ra trên biển Đông là “một tình huống chưa từng có tiền lệ”, số lượng lớn tàu Trung Quốc xuất hiện là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc “kiên quyết đảm bảo rằng giàn khoan này có thể hoạt động ở vùng nước này”.
Về phần mình, ông Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, Mỹ, căng thẳng mới nhất ở biển Đông càng khẳng định rằng tranh chấp này “không thể giải quyết bằng một chuyến công du hay một bài phát biểu... Và điều này cũng cho thấy, phía Trung Quốc không hề e ngại những phản ứng tiêu cực trong khu vực”.
Trung Quốc và Việt Nam đã từng trải qua một cuộc chiến tranh biên giới, tuy ngắn ngủi nhưng rất đau thương, năm 1979. Wall Street Journal khẳng định, dù rằng ngày nay, sức mạnh của Trung Quốc hùng hậu hơn Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam sẽ nhanh chóng lùi bước.
Để củng cố thêm cho luận điểm của mình, tờ này dẫn lời ông James Hardy, biên tập viên về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly nhận định: “Việt Nam có lịch sử chưa từng lùi bước trước những cuộc đối đầu quân sự”.
Các chuyên gia về an ninh đánh giá rằng, động thái gia tăng căng thẳng mới nhất trên biển Đông là kết quả được tích tụ từ sự mất niềm tin sâu sắc của các nước nhỏ hơn trong khu vực đối với Trung Quốc, sự cứng rắn ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như việc thiếu các cơ chế để ngăn chặn và xử lý khủng hoảng.
Theo Wall Street Journal, cuộc đối đầu này cũng cho thấy vai trò của các công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc trong việc thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của nước này, bất chấp việc lãnh đạo các doanh nghiệp này nhiều lần khẳng định họ chỉ làm việc vì lợi nhuận chứ không phải chính trị.