Dù vậy, Mỹ cũng rất thận trọng nói về chuyến thăm Triều Tiên đang diễn ra của một quan chức hàng đầu Nhật Bản, trong khi nỗ lực tương tự của Hàn Quốc bị từ chối thẳng thừng.
“Tôi cần phải nói rằng, tôi không thể bàn luận điều gì về chuyện này mà không biết chi tiết và mục đích của chuyến thăm trên”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki hôm qua tuyên bố.
Đại diện đặc biệt về chính sách Triều Tiên Glyn Davies cũng tỏ ra thận trọng: “Tôi cho rằng, chúng ta có thể đợi một vài ngày, trước khi biết được kết quả của chuyến thăm trên”.
Trong khi đó, ông Isao Iijima – một trợ lý thân cận của Thủ tướng Shinzo Abe - đang ở Bình Nhưỡng trong chuyến công du Triều Tiên với mục đích được tuyên bố là nhằm thảo luận về việc các công dân Nhật Bản bị mất tích ở nước này trong những năm 1970, 1980 cũng như tìm kiếm khả năng thúc đẩy bình thường hóa quan hệ song phương.
Ông Isao đã có cuộc hội kiến với nhân vật quyền lực thứ 2 ở Bình Nhưỡng là Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam và Kim Yong-il, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cũng như Song Il-ho, đại sứ chuyên trách các cuộc đàm phán với Tokyo.
Chính phủ Hàn Quốc đã mô tả chuyến thăm của ông Isao là “vô bổ” và cáo buộc Tokyo đã “phớt lờ” Mỹ-Hàn, khi không thông báo trước về chuyến thăm trên cho Seoul và Washington.
“Điều quan trọng là phải duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong việc đối phó với Triều Tiên. Với quan điểm đó, chúng tôi cho rằng, chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Isao là vô bổ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hàn Quốc Cho Tai-young tuyên bố.
Có vẻ từ tốn hơn Seoul, Washington không dùng từ “vô bổ” để mô tả chuyến thăm. “Tôi không định mô tả chuyến thăm theo cách đó. Trước tiên, Washington muốn biết kết quả của chuyến thăm”, ông Davies cho biết.
Trong khi đó, nhiều đồn đoán nổi lên cho rằng việc các cuộc đối thoại Nhật-Triều được nối lại có khả năng liên quan đến việc Bình Nhưỡng hoãn kế hoạch phóng tên lửa mới đây.
Một số nhà quan sát cho rằng, chuyến thăm có thể là nỗ lực của Tokyo để tìm kiếm khả năng mở cuộc đàm phán cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un.
Đáng chú ý, không ít nhà phân tích lại cho rằng, chuyến thăm Bình Nhưỡng của một quan chức cấp cao Nhật Bản có thể phản ánh sự rạn nứt trong quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc. Rất có thể, Bình Nhưỡng đang bất mãn với Bắc Kinh và có phản ứng với đồng minh số 1 của Triều Tiên.