Mỹ vô tình vũ trang cho al-Qaeda ở Syria?

Quang Vinh |

Washington đã quyết định tạm dừng huấn luyện cho lực lượng nổi dậy Syria đang chiến đấu chống nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng để tập trung cung cấp vũ khí cho lực lượng này, tạo ra nguy cơ vũ khí Mỹ rơi vào tay của các đồng minh của al-Qaeda.

Vấn đề này đang gây nên rất nhiều chỉ trích liên quan đến các hoạt động của Mỹ ở Syria.

Thông tin cho rằng vũ khí Mỹ rơi vào tay lực lượng khủng bố xuất hiện từ tuần trước, khi các chiến binh “Dzhebhat en Nusra” (cánh quân của al-Qaeda tại Syria) tung lên mạng các bức ảnh chụp với súng trường Mỹ, loại vũ khí đã được Mỹ chuyển tới khu vực Trung Đông này.

Ban đầu, Lầu Năm Góc bác bỏ thông tin trên, tuy nhiên, đến ngày 9/10 thì đã thừa nhận.

Quân đội của lực lượng nổi dậy do Mỹ huấn luyện đã chuyển tới Syria vào cuối tháng 9/2015. “Dzhebhat en Nusra” đe dọa sẽ tiến hành phục kích nếu các chiến binh của lực lượng này không bàn giao cho họ một ít vũ khí.

Các chiến binh này đã thực hiện yêu cầu và chuyển cho cánh quân al-Qaeda 6 ôtô chiến đấu và nhiều đạn dược.

Đại tá Patrick Ryder thuộc Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu xem có thể làm gì để ngăn chặn các sự việc tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, do tình hình tại đây quá phức tạp nên không thể lường trước được tất cả rủi ro có thể xảy ra”.

Theo chuyên gia về Syria John Landis, Giáo sư của Trường Đại học Oklahoma, từ 60% đến 80% vũ khí do Mỹ cung cấp cho lực lượng nổi dậy đã rơi vào tay al-Qaeda và các nhánh của tổ chức khủng bố này.

Việc cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đề nghị cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy sau khi gặp Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2011 đã gây rất nhiều tranh cãi tại Lầu Năm Góc.

Đến năm 2013, quân đội Mỹ đã quyết định tập trung hỗ trợ y tế và quần áo, nhưng đồng thời bí mật tiến hành huấn luyện cho lực lượng nổi dậy.

Ngày 9/10 vừa qua, đại diện Lầu Năm Góc tuyên bố về kế hoạch xem xét lại chương trình đang tiêu tốn 500 triệu USD của những người nộp thuế ở Mỹ.

Bộ Quốc phòng muốn chú trọng chuyển giao vũ khí “cho các nhóm đáng tin”, và ưu tiên nhất là lực lượng người Kurd, vốn đã thể hiện được năng lực của mình trong cuộc chiến với IS tại Iraq.

Trong vài năm trở lại đây, phe đối lập ôn hòa và các lực lượng nổi dậy khác đang chiến đấu với IS và “Dzhebhat en Nusra” đã đề nghị phương Tây chuyển cho họ pháo chống tăng và tên lửa chống máy bay.

Tuy nhiên, hai năm trước, lô vũ khí đầu tiên đã bị các tay súng cực đoan chặn lại và Tổng thống Mỹ Barack Obama hiểu rằng việc chuyển giao vũ khí đã thất bại.

Đó là lý do Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ thường xuyên chỉ trích tổng thống không quyết đoán và nói rằng ông Obama chưa hề làm được gì thiết thực để hỗ trợ lực lượng nổi dậy Syria.

Sự can thiệp của Nga vào cuộc xung đột tại Syria đã buộc Mỹ và các đồng minh phương Tây tăng cường các hoạt động không kích: tuần trước, các máy bay phương Tây đã tiến hành 5 cuộc không kích vào Iraq, tiêu diệt một nhóm chiến binh, máy móc và một nhà máy sản xuất thuốc nổ.

Theo lời Giáo sư trường Đại học California Cabrillo Denis Etlera, các cuộc không kích của Nga đã khiến ý đồ chính trị của Mỹ “bị phá sản”: Chỉ trong 1 tuần, Moskva đã làm được nhiều hơn cả những gì Washington làm được trong 1 năm”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại