Việc TQ can thiệp quân sự vào Syria "không cần phải bàn"?

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) sáng 14/10 đăng tải bài phân tích, thừa nhận Trung Quốc "chưa đủ năng lực" để cuốn vào khu vực diễn biến phức tạp như Syria.

Bài viết của Hoàn Cầu có thể xem là phản ứng của Trung Quốc trước các thông tin nói rằng quân đội nước này chuẩn bị tham gia chiến dịch tấn công chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cùng Nga, hình thành liên minh quốc tế mới một cách rõ rệt.

Hoàn Cầu "phản pháo", những người đứng sau việc tung tin như trên có mục đích khiến Trung Quốc bị cuốn vào, thậm chí sa lầy trong cuộc xung đột Syria.

Nhiều học giả Trung Quốc trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn Cầu đã nhận định việc Bắc Kinh "động binh" ở Syria là "không thực tế" và khẳng định chính phủ Trung Quốc "không bao giờ làm bừa như vậy".

Các chuyên gia Trung Quốc nêu ra 4 luận điểm chứng minh Trung Quốc sẽ không tham chiến ở Syria.

Thứ nhất, Bắc Kinh luôn tuyên bố lợi ích cốt lõi của mình là ở châu Á-Thái Bình Dương chứ không phải Trung Đông. Đại bộ phận người dân Trung Quốc không cho rằng khu vực Trung Đông xa xôi có bất kỳ quan hệ trực tiếp nào tới lợi ích của nước này.

Trung Quốc đưa lực lượng tới Syria là hành động trái với logic, tạo thành thách thức đối với chính sự tự tin về quân sự của họ.

Thứ hai, Liên Hợp Quốc không ủy quyền Trung Quốc tham gia hành động quân sự chống IS tại Syria.

Các học giả nước này tin rằng Bắc Kinh sẽ không "vượt rào" LHQ để can thiệp quân sự vào Syria giống như Mỹ và Nga đang làm, bởi một chiến dịch quân sự ở Trung Đông đồng thời cũng mang lại rủi ro chính trị lớn đối với Trung Quốc.

Thứ ba, các vấn đề nội bộ Trung Đông có mối liên hệ "rây mơ rễ má" đầy phức tạp với các thế lực bên ngoài, trong đó hành động quân sự chính là hình thức can thiệp sâu nhất.

"Khi vào thì dễ dàng, nhưng để thoát ra thì cần tới cả một hệ thống hỗ trợ khổng lồ", Hoàn Cầu viết.

Dù Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt như can thiệp quân sự, hay chỉ đóng "vai phụ" như ủng hộ một phe thì Bắc Kinh đều bị lôi vào xung đột Syria một cách có hệ thống.

Hoàn Cầu thừa nhận, nói một cách thẳng thắn, Trung Quốc vẫn chưa đủ năng lực để bị cuốn vào một khu vực phức tạp như thế.

Trung Quốc hầu như không có đồng minh tại Trung Đông cũng như căn cứ quân sự - những nhân tố không thể thiếu cho hoạt động can thiệp quân sự từ xa.

Thứ tư,  tình hình Syria không phải do Trung Quốc "làm loạn" nên Trung Quốc "không có lý do gì phải chạy tới đó để đóng vai trò đối địch".

Hoàn Cầu nhận định, vai trò của Bắc Kinh tại Trung Đông chỉ nên dừng lại ở hoạt động gìn giữ hòa bình, trong khuôn khổ hành động của LHQ.

Hiện tại, "sở trường" và ưu thế của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế mới chỉ giới hạn ở việc nước này đóng vai trò tích cực để tìm kiếm các giải pháp chính trị. Bắc Kinh kỳ vọng tiếng nói của họ sẽ gia tăng cùng với sự "trỗi dậy" của Trung Quốc.

Theo Hoàn Cầu, cùng với siêu cường quân sự Mỹ, chiến dịch quân sự Nga đang tiến hành tại Syria cũng thu được nhiều kết quả khả quan.

So với Nga-Mỹ, sự "trỗi dậy" của Trung Quốc vẫn đang ở "giai đoạn đầu tiên" và Bắc Kinh vẫn cần duy trì thái độ "không ồn ào" trên thế giới trong một thời gian dài nữa.

Hoàn Cầu cho rằng, Trung Quốc cần có phản ứng "khéo léo và phù hợp" với các vấn đề toàn cầu hiện nay để tạo được "hình ảnh tốt" trong cộng đồng quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại