Mỹ tiến hành tuần tra biển Đông: Sự kiện lịch sử

Minh Cát (từ Washington) - Quỳnh Trung ghi |

"Việc Mỹ tiến hành tuần tra (trên biển Đông) là do Trung Quốc không hề tỏ dấu hiệu cho thấy nước này sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế" - ý kiến từ GS Jonathan London (ĐH Thành thị Hong Kong).

* GS Jonathan London (ĐH Thành thị Hong Kong):

Đây là sự kiện đầy ý nghĩa

Việc Mỹ chứng minh các tàu hải quân cũng như các tàu của bất cứ nước nào đều có quyền di chuyển tự do trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế rõ ràng cho thấy đây là một sự kiện lịch sử trong sự phát triển của kiến trúc an ninh mới trong khu vực.

Cách đây nhiều tháng, Mỹ đã tuyên bố sẽ tiến hành tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Tuyên bố vào thời điểm đó đã làm dấy lên rất nhiều hoài nghi, trong đó một số ý kiến cho rằng sở dĩ Mỹ trì hoãn là vì Washington không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung.

Tôi nghĩ việc Mỹ tiến hành tuần tra thời điểm này là do Trung Quốc không hề tỏ dấu hiệu cho thấy nước này sẽ nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế và có những hành vi đúng mực liên quan đến tranh chấp trên biển.

Nhiều người sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc phản ứng lại bằng cách tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo và những hành vi khiêu khích khác, vốn sẽ mang lại những hậu quả khôn lường.

Ngược lại, nhiều người cũng sẽ chỉ trích Mỹ đã hành động khi chưa có cái nhìn đầy đủ, và so sánh với những hậu quả mà Mỹ phải hứng chịu trong cuộc chiến ở Iraq và những nơi khác.

Theo tôi, tất cả mọi người trong khu vực đều biết Bắc Kinh đã quân sự hóa và xây dựng các cơ sở nhân tạo ở Biển Đông.

Nếu chúng ta không phản ứng với động thái này của Trung Quốc có nghĩa là chúng ta chấp nhận những nỗ lực không chính đáng của Trung Quốc trong việc thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

* Prashanth Parameswaran (chuyên gia về chính sách đối ngoại của Indonesia, phụ trách mảng Đông Nam Á của tờ The Diplomat):

Indonesia và Malaysia sẽ vào cuộc sâu hơn

Nếu Trung Quốc đáp trả lại bằng cách leo thang quân sự hay các biện pháp với nhiều sức mạnh cứng khác thì không phải là điều ngạc nhiên.

Nước này đã có nhiều tiền lệ dựa cớ đánh giá các hành động của nước khác là “khiêu khích” hay “trái luật” để thúc đẩy sự quyết đoán của mình.

Ngay cả khi những vụ đụng độ đó khởi điểm ban đầu là do các hành động từ phía Trung Quốc gây nên.

Nhưng Mỹ ở một hạng cân khác so với các nước trong khu vực. Trong trường hợp Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn thì kịch bản “áp đặt cái giá phải trả” vẫn cần phải được tiếp tục.

Mỹ và các nước đồng minh sẽ tiếp tục tăng sức ép với mục tiêu ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết của lãnh đạo Bắc Kinh. Sức ép này cũng mang hàm ý nói về cái giá phải trả với những hành động gây mất ổn định của khu vực.

Trong khi Trung Quốc là một đối tác quan trọng cho cả Malaysia và Indonesia, các hành động quân sự hóa trên Biển Đông sẽ buộc hai nước Đông Nam Á này tìm kiếm những giải pháp đảm bảo “an ninh” cho bản thân.

Một mặt mặt trận ngoại giao vẫn luôn được đề cập như một giải pháp, thì tăng cường khả năng phòng thủ và theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác bên ngoài để đấu tranh với sự quyết đoán hơn của Bắc Kinh sẽ được tăng tốc.

Tổng thống Joko Widodo vừa có chuyến thăm Mỹ và tình hình tranh chấp Biển Đông nằm trong danh sách thảo luận của ông.

Mặc dù không phải là “nguyên đơn” tranh chấp chủ quyền, Indonesia xem các tranh chấp Biển Đông là một mối quan tâm đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.

Jakarta sẽ tiếp tục thúc đẩy cho một giải pháp ngoại giao trong khi tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại