TQ đón Tư lệnh Mỹ sắp sang bằng đe dọa "toàn lực quân sự hóa đảo"

Hải Võ |

Đô đốc Harry Harris, người được cho là chỉ đạo hoạt động tuần tra biển Đông của tàu USS Lassen mới đây, sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 2/11 tới.

Đô đốc Mỹ sang Trung Quốc giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"

Đài tiếng nói Trung Quốc (CNR) ngày 28/10 dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng Mỹ tiết lộ, Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) - sẽ tới Bắc Kinh vào ngày 2/11.

Theo CNR, ông Harris là người chỉ đạo quân đội Mỹ điều tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào tuần tra khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo (mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông-PV) ngày hôm qua, 27/10.

Chuyến công du Trung Quốc của Tư lệnh Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biển Đông leo thang và tình trạng đối đầu Mỹ-Trung đã trở nên công khai.

Đài này cho hay, Đô đốc Harris sẽ trọng điểm thảo luận vấn đề biển Đông với phía Trung Quốc.

Đô đốc Harry B. Harris sinh năm 1956 tại Yokosuka, phía nam thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Mẹ ông là người Nhật, cha là hạ sĩ quan Hải quân Mỹ.

Sau 2 tuổi, Harris về Mỹ và từng định cư ở các bang Tennessee, Florida.

Ngày 27/5/2015, Thượng tướng Harry Harris chính thức nhận chức Tư lệnh PACOM.

Ông Kiều Tỉnh - nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh và Hồng Kông - đánh giá Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm kiếm giải pháp để tránh va chạm trên biển và trên không.

Ông cho biết: "Với chuyến thăm của Đô đốc Harris, hai bên sẽ có những thỏa thuận nhất định trong việc nhận biết, tránh va chạm trên biển Đông.

Thỏa thuận về nhận biết trên không Mỹ-Trung dự định ký kết trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 9 của ông Tập Cận Bình nhưng chưa ký được, còn thỏa thuận sơ bộ liên quan đến tránh va chạm trên biển đã đạt được."

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cũng tiết lộ, chuyến đi Trung Quốc của ông Harry Harris là một chuyến công du theo lịch trình từ trước và không có liên quan trực tiếp với hành động hôm 27 của Hải quân Mỹ.

Chuyên gia Trương Quân Xã thuộc Sở nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc nhận định: "Quan chức cấp cao Trung-Mỹ tiếp xúc là chuyện tốt, nhất là đối với Mỹ. Họ có thể 'hiểu đúng' về hành động bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc."


Đô đốc Harry Harris (phải) tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la ở Singapore tối 29/5. Ảnh: Xinhua

Đô đốc Harry Harris (phải) tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-la ở Singapore tối 29/5. Ảnh: Xinhua

Trong khi đó, ông Kiều Tỉnh cho rằng ở thời điểm hiện tại, những xích mích trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn nằm trong sự kiểm soát của cả hai bên.

Chuyên gia này phân tích: "Trước hết, việc Mỹ đưa tàu USS Lassen diễn ra trong bối cảnh lớn là giới chức nước này đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành hoạt động tuần tra biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, nghĩa là sự kiện hôm 27 hoàn toàn nằm trong lịch trình và đã được nêu trên truyền thông.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm một số nước châu Á, đồng thời tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)  tại Philippines vào tháng 11 tới.

Ngoài ra, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, đảng Dân Chủ của ông Obama đang vấp phải nhiều chỉ trích từ đảng Cộng Hòa và cả người dân vì biểu hiện yếu đuối trong thời gian qua trước Nga tại Syria, Ukraine và để Trung Quốc bành trướng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, Mỹ cần có một hành động cụ thể ở biển Đông đủ để làm an lòng các đồng minh, đối tác châu Á (sau khi thúc đẩy ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)) cũng như giành lại sự ủng hộ trong nước mà không dẫn tới hậu quả một cuộc xung đột thực sự.

Về phía Trung Quốc, ban đầu Bộ ngoại giao nước này phản ứng với tuyên bố tàu chiến Mỹ 'xâm nhập trái phép', tuy nhiên chỉ 15 phút sau đã sửa thành 'chưa được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc đã tự ý tiến vào'.

Điều này cho thấy Trung Quốc phải thừa nhận việc Mỹ tuần tra ở biển Đông là không trái luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Bộ quốc phòng nước này cũng chỉ xác nhận 'cho tàu theo dõi và cảnh cáo' chứ không có chuyện 'ngăn chặn' tàu Mỹ.

Đối với Trung Quốc, một cuộc xung đột sẽ phá hỏng quan hệ với Mỹ và chính họ không hề mong muốn điều này một chút nào.

Nói cách khác, cả Washington và Bắc Kinh đều đang duy trì mâu thuẫn trên biển Đông trong tầm kiểm soát và xử lý của mình."

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 27/10 (giờ địa phương), Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter không xác nhận thẳng về sự kiện tàu USS Lassen tuần tra biển Đông, nhưng nói với Quốc hội rằng "những thông tin trên báo chí là chính xác".

Cựu đại sứ Việt Nam tại 5 nước
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường
Trung Quốc đã xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo một cách bất hợp pháp, với ý đồ thay đổi nguyên trạng, đồng thời quân sự hóa biển Đông. Do đó, cần chỉ rõ việc Mỹ đối đầu với Trung Quốc là nhằm vào hành động phi pháp của nước này.

Hoàn Cầu: Mỹ đừng "ép" Trung Quốc toàn lực quân sự hóa đảo

Ông Carter cũng như đại diện Lầu Năm Góc và Bộ ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố mạnh mẽ về việc tuần tra biển Đông bằng chiến hạm để gìn giữ tự do hàng hải và biến hoạt động này thành một "thường thái mới"

Điều này chứng minh thái độ kiên quyết của Mỹ đối với mục tiêu "ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa trên các đảo nhân tạo (trái phép-PV)" nhưng Washington vẫn khẳng định ủng hộ nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng đối thoại.

Đáp trả thái độ cứng rắn từ phía Mỹ, Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/10 tuyên bố nếu Mỹ quyết tâm biến việc tuần tra biển Đông thành "thường thái" thì "các chiến hạm của quân đội Trung Quốc sẽ chờ sẵn ở vùng biển quần đảo Trường Sa (bị Trung Quốc chiếm phi pháp-PV)".

"Tàu Mỹ càng tới (biển Đông) thường xuyên thì số lượng tàu Trung Quốc 'đón tiếp' cũng sẽ tăng lên.

Điều này yêu cầu Bắc Kinh gia tăng bố phòng quân sự và hệ quả tất yếu là Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ xây dựng đảo nhân tạo (trái phép-PV) cũng như bố trí cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo này.

Việc quân sự hóa các đảo sẽ đạt đến mức độ có thể hỗ trợ được Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trong cuộc đối chọi với Mỹ," Hoàn Cầu lớn tiếng đe dọa.

Hoàn Cầu huênh hoang rằng với cục diện căng thẳng ở biển Đông leo thang, 3 đường băng (xây trái phép) trên các đảo nhân tạo "rất phù hợp để sử dụng" với nhu cầu hỗ trợ trên không.

"Một khi Mỹ 'thường thái hóa' những thách thức, việc Trung Quốc bố trí máy bay chiến đấu trên các đảo là hoàn toàn có thể dự đoán được," tờ này viết.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu đã "tự tay vả mặt" khi cách đây vài tháng, chính họ hùng hồn khẳng định rằng các đường băng, hải đăng hay cơ sở hạ tầng (trái phép-PV) trên đảo nhân tạo "chủ yếu phục vụ mục đích dân sinh, bảo đảm an ninh hàng hải, phục vụ nghiên cứu hải dương..."

Bắc Kinh dường như hết sức tự tin vào khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép này. Thời báo Hoàn Cầu thậm chí khẳng định nếu không phát huy tác dụng chống lại tàu nước ngoài xâm nhập thì "các đảo nhân tạo đã làm cả Trung Quốc thất vọng".


Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (trái) trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 9/2014. Ảnh: Huanqiu

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (trái) trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 9/2014. Ảnh: Huanqiu

Học giả người Mỹ Bonnie Glaser mới đây trả lời phỏng vấn của truyền thông đánh giá, hành động của Mỹ về thực chất là nhằm thay đổi hành vi của phía Trung Quốc "theo hướng tích cực".

Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần tính toán kỹ khả năng trả đũa của Trung Quốc và liệu Mỹ có tạo cho Bắc Kinh cái cớ "bảo vệ an ninh" để tiến tới thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông?

Dù cả truyền thông và chính phủ Trung Quốc chưa nhắc đến khả năng lập ADIZ ở biển Đông sau sự kiện hôm 27, nhưng vẫn tỏ thái độ không nhượng bộ trước sự cứng rắn của Washington.

Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Dương Nghị nói với Hoàn Cầu: "Mỹ mang vị thế 'đại ca' nhưng tính cách lại trẻ con.

Sự thách thức lỗ mãng của Mỹ là hết sức nguy hiểm, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, cũng như không cản được xu thế phát triển của Trung Quốc."

nguyên giáo sư học viện quốc phòng australia
Carlyle Alan Thayer
Mỹ sẽ không bao giờ chấp thuận việc Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Nếu Trung Quốc cố tình áp đặt ADIZ, Mỹ sẽ điều máy bay của mình tới không phận đó để khẳng định quyền tự do bay của họ. Đối với Mỹ, biển Đông là sống còn đối với quyền của chính nước Mỹ; biển Đông là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Và điều quan trọng hơn là quân đội Mỹ cần biển Đông để duy trì vị thế siêu cường biển toàn cầu. Các máy bay và tàu của Mỹ phải quá cảnh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Mỹ sẽ không bao giờ đặt an ninh của những đường bay và tuyến hàng hải này vào tay Trung Quốc.

Tuy vậy, giới quan sát đánh giá rằng, Bắc Kinh chắc chắn vẫn sẽ tìm cách thỏa hiệp với Mỹ trên bàn đàm phán như thường lệ, và chấp nhận nhượng bộ một phần nhỏ.

Cụ thể, nhà chức trách Mỹ hôm 28 xác nhận, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Tác chiến Hải quân Mỹ (CNO) có kế hoạch đối thoại qua video với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi vào ngày 29/10 để thảo luận vấn đề biển Đông.

Một quan chức giấu tên của Mỹ tiết lộ, cuộc đối thoại này là một hoạt động bất thường xuất phát từ sự kiện tàu USS Lassen mới đây, nội dung liên quan tới hành động của Mỹ ở biển Đông thời gian gần đây và vấn đề giao tiếp giữa quân đội song phương.

Cuộc đối thoại giữa ông Richardson và ông Ngô dự kiến kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại