Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nêu rõ, chưa bao giờ có cơ hội cho tất cả các nước có ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Syria thực sự muốn ngồi lại với nhau và hợp tác giải quyết vấn đề này.
Đây là lần đầu tiên, Iran và Saudi Arabia, 2 nước được cho là bên trực tiếp hậu thuẫn chính phủ và phe nổi dậy ở Syria, cùng có mặt tại bàn nghị sự để tìm cách tháo gỡ nút thắt của cuộc khủng hoảng này.
Đại diện phía Iran là Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif còn phía Saudi Arabia dẫn đầu là Ngoại trưởng Adel Al Jubeir.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria cho rằng, việc cuộc đối thoại này diễn ra với tất cả thành phần tham dự đã là một tín hiệu rõ ràng và bày tỏ hy vọng điều này sẽ mang lại một bước tiến thực chất nào đó nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm ở Syria.
Ông Mistura nhận định: “Tôi cho rằng chúng ta đã đạt đến mức có được sự nhận thức chung rằng các công thức quân sự sẽ không dẫn đến kết quả nào, kể cả khi Nga có can thiệp và thực sự làm thay đổi cục diện, khiến cho một giải pháp ngoại giao trở nên cấp bách hơn.
Nếu không có một chính phủ chuyển giao ở Syria, chúng ta sẽ không thể chấm dựt cuộc xung đột này cũng như chắc chắn không thể chiến đấu và chiến thắng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có mặt tại Vienna, Áo, để tham dự cuộc đối thoại. Trả lời chóng vánh các nhà báo tại đây, ông Keri tỏ ra lạc quan về cuộc gặp này.
Trước đó, ông Kerry có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng gặp người đồng cấp Iran Javad Zarif.
Ngoại trưởng các nước Jordan, Ai Cập, Anh, Pháp và Đức cũng tham gia cuộc đối thoại này.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Áo, Sebastian Kurtz cho rằng: “Chúng tôi có Mỹ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ở một bên và bên kia là Nga, Iran.
Họ đang đi theo những phương hướng khác nhau, bao gồm cả mặt quân sự. Vì thế điều quan trọng là các cường quốc như Nga, Mỹ và các nước trong khu vực cùng tìm ra một hướng đi chung. Chỉ khi họ cùng ủng hộ một tiến trình thì tiến trình đó mới có cơ hội khả thi”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 29/10 kêu gọi tất cả các nước tham gia đối thoại về Syria ở Vienna, Áo, gạt sang một bên quan điểm riêng của mỗi nước để có thể giải quyết cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu trong chuyến thăm 2 ngày đến Tây Ban Nha, ông Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng 5 nước Nga, Mỹ, Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hãy tư duy một cách toàn cầu nhằm thể hiện vai trò dẫn dắt trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao bình luận rằng, thành công của cuộc đối thoại về Syria lần này có thể chỉ dừng lại ở mức đưa những đối thủ trong khu vực như Iran và Saudi Arabia cùng ngồi vào bàn nghị sự về Syria, qua đó hạ thấp những kỳ vọng về một đột phá thực sự của nỗ lực ngoại giao này./.