Không chừa cả đồng minh
Từ tài liệu được cung cấp bởi Snowden, hiện ẩn náu tại phi trường Sheremetyevo của Nga, tờ Der Spiegel số ra ngày 30/6 loan tin cũng là mục tiêu của chương trình do thám bí mật mang tên PRISM. Theo đó, trong một tài liệu được xếp loại “tuyệt mật” từ tháng 9/2010, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) mô tả chi tiết phương thức theo dõi các nhà ngoại giao của EU tại Washington: không chỉ cài thiết bị thu âm trong các tòa nhà, mật vụ Mỹ còn xâm nhập hệ thống để đọc thư điện tử và tài liệu nội bộ của liên minh. Tương tự, đại diện EU ở LHQ cũng bị xếp loại “mục tiêu hành sự”.
“Kẻ thù thông tin của nước Mỹ” Edward Snowden lại gây ra một cơn rúng động mới khi tiết lộ nước này cài thiết bị nghe lén cả EU
Không dừng lại tại Mỹ, NSA còn bị tố bí mật hoạt động tại thủ đô Brussels của Bỉ - nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của châu Âu. Các chuyên gia an ninh của EU đã phát hiện một hệ thống nghe lén, theo dõi được cài vào mạng lưới điện thoại và internet của tòa nhà Justus-Lipsius, trụ sở chính của Hội đồng châu Âu. Hệ thống này kéo đến tận tổng hành dinh của NATO tại Brussels.
Theo Der Spiegel, các phân tích chi tiết đã chứng minh rằng các vụ tấn công mạng nói trên đến từ một khu vực an ninh độc lập với NATO và được sử dụng bởi các chuyên gia của NSA.
Cáo buộc mới nhất tạo ra một làn sóng phẫn nộ từ các quan chức EU. Der Spiegel dẫn lời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nhận định: “Nếu được xác nhận, đây sẽ là một vụ bê bối khủng khiếp và có thể ảnh hưởng xấu đáng kể quan hệ giữa EU và Mỹ”.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselbron thì mỉa mai: “Mỹ nên canh chừng các hoạt động tình báo của mình hơn là theo dõi đồng minh. Nếu như những hoạt động kể trên nhằm mục tiêu chống khủng bố thì EU và các nhà ngoại giao của khu vực này không phải là khủng bố”. Ông Asselbron có ý nhắm vào lời tuyên bố ngày 19.6 của Giám đốc NSA Keith Alexander. Ông Alexander khẳng định chương trình PRISM hoàn toàn vì an ninh quốc gia và nhờ đó, kể từ vụ 11/9/2001, mật vụ Mỹ đã phá được 50 âm mưu tấn công khủng bố.
Theo AFP, Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger ngày 30/6 ra tuyên bố yêu cầu Mỹ nhanh chóng giải thích rõ ràng về cáo buộc “tưởng như chỉ có ở thời Chiến tranh lạnh”, sau khi Der Spiegel loan tin trung bình trong 1 tháng NSA theo dõi 1 tỉ cuộc điện thoại, thư điện tử và tin nhắn tại Đức. Đến nay, Washington vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào.
Kho dữ liệu khổng lồ
Theo hồ sơ của Snowden, NSA đã tiếp cận máy chủ của các “đại gia” dịch vụ internet như Facebook, Yahoo, Google, Amazon… để thu thập thông tin. Những hãng này đều cho biết đã nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của NSA nhưng họ khẳng định “luôn hoạt động đúng luật” và nhấn mạnh lượng dữ liệu đã “trao đổi” với tình báo Mỹ không đến mức hàng tỉ tetrabyte như đồn đoán.
Tuy nhiên, tờ Le Monde dẫn lời các chuyên gia tỏ ra lo ngại khi Facebook, Google, Yahoo… đều rất tích cực hỏi thăm thông tin cá nhân của khách hàng mỗi lần đăng ký sử dụng ứng dụng, tiện ích hay dịch vụ. Sau đó, các hãng này cũng sàng lọc, sắp xếp, lưu trữ lại tất cả và chuyện thông tin cá nhân có thật sự được “bảo mật tuyệt đối” như cam kết hay không thì… hạ hồi phân giải. Thậm chí, tờ The New York Times còn đặt nghi vấn về một sự “trùng hợp” kỳ lạ khi cựu chuyên gia về an ninh của Facebook là Max Kelly đã chuyển sang làm việc cho NSA từ năm 2010.
Với lượng thông tin khổng lồ, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ lưu trữ ở đâu? Hiện nay, các thành phố San Antonio (bang Texas), Atlanta (bang Giorgia), Honolulu (bang Hawaii), Aurora (bang Colorado), Fort Meade (bang Maryland) là nơi đặt các trung tâm chứa thông tin cá nhân thu thập được. Tuy nhiên, theo Le Monde, Trung tâm dữ liệu Bluffdale ở bang Utah, hiện đang được xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 9/2013, mới là nơi đủ tầm lưu trữ và xử lý hiệu quả lượng thông tin nói trên.
Trung tâm phức hợp Bluffdale của NSA
Khu phức hợp Bluffdale rộng 100.000 m2, được cho là đủ sức chứa khoảng 10.000 máy chủ. NSA từng khẳng định trên kênh Fox News hồi tháng 4 rằng trung tâm này không được dùng để theo dõi thư điện tử của công dân Mỹ nhưng không thuyết phục được dư luận. Chuyên gia về NSA James Bamford nhận định với tờ The Wall Street Journal: “Với Bluffdale, chắc chắn NSA có thể theo dõi hiệu quả hơn”. Còn cựu nhân viên NSA William Binney cho biết trung tâm này có thể lưu trữ khoảng 5.000 tỉ gigabyte, tương đương lượng thông tin liên lạc trên toàn cầu trong vòng 100 năm và bằng sức chứa của 250 tỉ DVD.
Không chỉ vậy, với hệ thống máy móc cực kỳ hiện đại, các nhà phân tích có thể tìm thấy kết quả tìm kiếm từ kho thông tin của Bluffdale chỉ trong vòng vài giây. Chi phí xây dựng của Bluffdale là 2 tỉ USD. Chưa hết, theo Le Monde, NSA còn sắp khởi công xây dựng một trung tâm dữ liệu mới ở Fort Meade, bang Maryland.