Nhà chức trách Hồng Kông khẳng định hệ thống tư pháp của họ vẫn độc lập với Trung Quốc song theo những nhà quan sát giấu tên được tờ New York Times dẫn lời, vấn đề chính sách ngoại giao vẫn nằm trong tay của chính quyền Trung Quốc, và Bắc Kinh đã sử dụng quyền hạn này để cho phép Snowden ra đi.
Snowden vốn đã rời Hồng Kông đến thủ đô Moscow của Nga vào hôm 23.6 và được tường thuật là đã liên hệ xin tị nạn chính trị tại Ecuador.
Theo giới quan sát, dưới quan điểm của Trung Quốc, việc ra đi của Snowden giải quyết được hai mối lo lớn: đó là tránh rơi vào thế mắc kẹt về ngoại giao với Mỹ trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài ở Hồng Kông về trường hợp của Snowden, và tránh phải đối phó với dư luận Trung Quốc vốn xem chuyên gia máy tính người Mỹ như một người hùng.
“Trong hậu trường dứt khoát có một vài sự điều phối giữa Hồng Kông và Bắc Kinh”, ông Kim Càn Vinh, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói với tờ New York Times.
Lo ngại chính yếu của Bắc Kinh là sự ổn định quan hệ với Mỹ, vốn được đặt trên một nền móng vững chắc hơn sau cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama tại California vào đầu tháng, theo ông Kim.
Chính quyền Trung Quốc hài lòng thấy Snowden tiết lộ quy mô do thám internet và điện thoại trên toàn thế giới của chính phủ Mỹ, mang lại cho Bắc Kinh cơ hội để làm rùm beng về thói đạo đức giả của Mỹ trong việc do thám, theo ông Kim.
Tuy nhiên, về lâu dài, quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn trải rộng trên các vấn đề kinh tế, quân sự và an ninh, quan trọng hơn nhiều so với cảm giác của dư luận Trung Quốc và Hồng Kông, những người cảm thấy rằng Snowden cần phải được bảo vệ khỏi tầm với của Mỹ.