Lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm đã ảnh hưởng tới 3,7 triệu người và làm 72 người thiệt mạng ở vùng đông bắc Trung Quốc, đồng thời buộc 100.000 người ở vùng viễn đông Nga phải sơ tán.
Mưa xối xả trong vài tuần qua đã làm vỡ bờ của con sông Amur (Nga) - Hắc Long Giang (Trung Quốc). Con sông chảy qua cả hai nước và tạo nên biên giới giữa tỉnh Hắc Long Giang ở Trung Quốc và Amur, Khabarovsk và vùng tự trị Do Thái ở Nga.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nói, Nga đã tháo nước lũ vào Amur và khiến nước đổ xuống phía Trung Quốc, khiến tình hình thêm trầm trọng. Mức nước của sông Hắc Long Giang, gần hạt Jiayin đã tăng thêm 30cm/ngày kể từ 7/8, CCTV đưa tin vào thứ bảy tuần trước.
Một số người Trung Quốc cũng chỉ trích Nga là "đối xử với tỉnh Hắc Long Giang như một hồ chứa nước lụt. Quả là một đồng minh tuyệt hảo".
Bà Ma Airong, 50 tuổi, chủ một nhà nghỉ ở quận Mohe, Hắc Long Giang, nằm ở biên giới với Nga nói: "Khi họ tháo nước khỏi hồ chứa, chúng tôi bị ảnh hưởng". Theo bà này, cách đây 4 năm, bà và nhiều dân làng khác buộc phải chạy lên vùng đất cao hơn để tránh nước lụt dâng cao.
Ông Vladimir Stepanov, lãnh đạo Trung tâm quản lý khủng hoảng quốc gia Nga, cho biết tại Moscow hồi tuần trước rằng, hầu hết nước gây ra lụt xuất phát từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục tháo nước từ hồ chứa của họ vào sông Amur, mức nước sẽ tăng thêm 50%.
Hôm 18/8, lúc 8h tối giờ Nga, nước sông Amur gần thành phố Khabarovsk chạm mức 6,49m, cao nhất kể từ năm 1897.
Đài phát thanh châu Âu tự do trích lời thanh tra y tế trưởng của Nga là Gennady Onishchenko rằng nước lụt từ các con sông ô nhiễm của Trung Quốc đang đưa vi trùng gây hại và ô nhiễm vào khu vực nước này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại giảm nhẹ thông tin về xích mích với Bộ Nguồn nước tuyên bố hôm 18/8 rằng hai nước đã phối hợp tốt để chống lại thảm họa.