Nhật Bản-Philippines rũ bỏ quá khứ cùng hợp sức đối đầu Trung Quốc

Trong khi vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines đối với Trung Quốc vẫn đang trong quá trình… chờ xét xử thì chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Manila được coi như một chất xúc tác làm gia cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Nhật-Philippines.

 

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ cấp cao với Tổng thống Philippines Benigno Aquino hồi cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định Tokyo và Manila sẽ mở rộng phạm vi hợp tác hàng hải và kinh tế.

Theo đó, Tokyo sẽ tăng cường hỗ trợ các khoản cho vay tín dụng nhằm phòng chống thiên tai cũng như hỗ trợ cho tiến trình hòa bình Mindanao. Tuy vậy, thực tế cho thấy, ngoài rất nhiều lý do về kinh tế, việc Manila muốn mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Tokyo còn được cho là nhằm mục đích tạo đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông.

Được thiết lập năm 2011, mục đích ban đầu của quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-Philippines đơn giản chỉ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, nhân sự và đầu tư thông qua việc thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Philippines. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe chính thức nhậm chức cuối năm ngoái, mối quan hệ đối tác chiến lược của hai nước đã chuyển trọng tâm sang hợp tác an ninh hàng hải.

Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi Thủ tướng Abe tái khẳng định cam kết giúp Philippines tăng cường lực lượng Cảnh sát biển bằng cách cung cấp 10 tàu tuần tra thông qua một thỏa thuận cho vay trong chuyến thăm Manila hồi cuối tháng 7. Sự hỗ trợ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Philippines tăng cường sức mạnh bảo vệ lãnh thổ, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, rõ ràng việc tăng cường hợp tác hàng hải mạnh mẽ hơn với Nhật Bản chỉ là một phần quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của Philippines, đó là: tăng cường hợp tác với các nước đồng minh để bù đắp khả năng quân sự hạn chế và gia cường an ninh hàng hải. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận đa phương của Philippines với an ninh hàng hải trên Biển Đông chính là một trong những nỗ lực của Manila nhằm chống lại mưu đồ của Bắc Kinh “giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương chứ không phải là cơ chế đa phương”. Gần đây, Tổng thống Aquino còn tuyên bố rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ được quyền truy cập căn cứ hải quân Subic, một căn cứ quân sự cũ của Mỹ đối diện với Biển Đông.

Thực tế, bên cạnh những lợi ích mà Philippines nhận được từ việc siết chặt mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản, chính Tokyo cũng nhận thấy tầm quan trọng của sự hợp tác này, đặc biệt là trong bối cảnh tàu và máy bay Trung Quốc đang không ngừng quấy rối trên vùng biển Hoa Đông. Ngoài ra, một mối quan hệ tốt đẹp với Philippines cũng rất phù hợp chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại ASEAN. Nhưng, sẽ là nhầm lẫn, nếu Philippines coi Nhật Bản là một đối trọng ngang tầm với Trung Quốc. Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, hiện Mỹ vẫn được coi là đối trọng hiệu quả nhất trước một Trung Quốc quyết đoán thông qua chính sách tăng cường sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, sự phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản- Philippines vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với những cam kết tăng cường hợp tác kinh tế của 2 vị nguyên thủ quốc gia được đưa ra ngay tại thời điểm mà cả Nhật Bản và Philippines đều đang trải qua giai đoạn phục hồi kinh tế và giành được niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế nhờ các gói kích thích tài chính.

Trong khi sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào việc phát triển các mối liên kết với các nền kinh tế ASEAN thì Philippines- nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á- đang được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản, thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư và thị trường thân thiện.

Trong năm 2012, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 16 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nước đứng đầu trong việc cung cấp viện trợ phát triển ODA cho Manila và đứng thứ hai về FDI. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đang tích cực đầu tư vào Mindanao, một khu vực giàu tài nguyên nhưng lại kém phát triển, nơi chính phủ Philippines đã đạt được một hiệp ước hòa bình với Mặt trận giải phóng Moro Hồi giáo.

Điều đáng nói là trong suốt chuyến thăm của ông Abe tại Manila diễn ra hồi cuối tháng 7, Tổng thống Aquino đã không hề gợi lại quá khứ quân phiệt Nhật Bản xâm lược Philippines, thậm chí còn đề xuất bỏ qua quá khứ hướng tới tương lai trong quan hệ song phương. Như vậy, có thể thấy chính sự hội tụ các lợi ích địa chiến lược và kinh tế đã giúp Nhật Bản-Philippines vượt qua những kỷ niệm cay đắng trong quá khứ. Thay vào đó là ưu tiên đảm bảo tăng trưởng kinh tế và chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại