Cuộc chiến chấm dứt, cũng là lúc thế giới có cơ hội nhìn lại toàn cảnh vấn đề một cách rõ ràng hơn.
Và có vẻ như lịch sử đang được tái hiện một lần nữa, khi một cuộc chiến Tây – Đông lại được khởi động tại Châu Âu, và đứng trước mặt EU ở thời điểm hiện tại đang là một Liên Xô khác.
Trong quá khứ, đã ít nhất một lần Châu Âu chia làm hai nửa để lao vào một cuộc xung đột phi chiến tranh ngấm ngầm và lâu dài, khi đó hai phần Đông và Tây của Châu Âu chia làm hai phe để bước vào một trong những cuộc chiến ngấm ngầm kéo dài bậc nhất trong lịch sử, vẫn được biết đến với tên gọi “Chiến tranh lạnh”.
Vấn đề cốt lõi của cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nửa thế kỷ đó được coi là sự khác biệt đến từ ý thức hệ, khi một Tây Âu theo chủ nghĩa tư bản đối đầu với một Đông Âu lấy tư tưởng xã hội chủ nghĩa làm nền tảng.
Cuộc đối đầu này được tạm thời coi là chấm dứt sau khi Liên Xô – linh hồn của khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ vào đầu thập niên 90. Nhưng vấn đề liệu có thực sự là như thế?
Ngay từ khi cuộc chiến tranh lạnh đang ở cao trào, đã có một số học giả đề cập đến việc sự đối địch giữa Đông và Tây Âu khi đó có cốt lõi không phải ở sự khác biệt về ý thức hệ, mà nằm sâu hơn, tức ở tầm ảnh hưởng của một cường quốc là Nga với trung tâm phần còn lại của Châu Âu là các nước Tây Âu như Anh và Pháp.
Thủ tướng lừng danh ở thế kỷ 19 của nước Đức Otto Von Bismarck đã từng nói: “Trong tương lai, chỉ có Mỹ mới đủ tiềm lực để cản bước người Nga”.
Với lãnh thổ rộng lớn và tiềm lực lớn của mình, Nga gần như vượt trội so với hầu hết các nước Châu Âu khác nếu so sánh theo kiểu riêng rẽ, và việc xứ sở bạch dương đạt được một tầm ảnh hưởng nhất định ở Châu Âu là điều tất yếu.
Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của Nga ở Châu Âu trong lịch sử có chiều hướng gia tăng, thời các Sa Hoàng tầm ảnh hưởng của Nga lan đến Ba Lan, còn trong thời kỳ đỉnh cao của Liên Xô, tầm ảnh hưởng của Moscow đã tràn sang tận miền Đông nước Đức.
Vì vậy, bất kể những nhà chính trị đang nói suốt ngày về việc các quốc gia trên thế giới đều bình đẳng, thì vấn đề tầm ảnh hưởng của các cường quốc đối với các nước lân cận vẫn diễn ra. Không chỉ trên bình diện chính trị quân sự mà còn cả ở lĩnh vực kinh tế nữa.
Một thực tế đã được các nhà lãnh đạo trụ cột trên thế giới nhận ra từ lâu là việc dù Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã, thì tầm ảnh hưởng của Nga đối với các quốc gia hậu Liên Xô vẫn ở một mức rất cao.
Chính cuộc trừng phạt kinh tế Nga của EU đã cho các nước phương Tây thấy sự chi phối của Nga với các nước lân bang mạnh như thế nào.
Khi kinh tế Nga đình trệ vì các lệnh cấm vận và đồng Rup mất giá, lập tức một loạt đồng tiền của các nước lân cận Nga cũng mất giá theo.
Năm đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh nhất năm 2014 đều là các nước từng thuộc Liên Xô trước đây như Azerbaijan, Moldova, Ukraine hay Gruzia.
Sở dĩ như thế, là vì nền kinh tế các nước láng giềng của Nga đang chịu phụ thuộc mạnh vào kinh tế xứ sở bạch dương.
Một phần lớn thu nhập của các quốc gia này đến từ nguồn kiều hối mà các công dân đang lao động từ Nga gửi về, việc đồng Rup mất giá khiến cho lượng tiền gửi về nước của các lao động này giảm đáng kể và tác động trực tiếp đến nguồn tiền tại các quốc gia đó.
Không chỉ thế, thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước này cũng là Nga, một khi kinh tế Nga lao đao và người dân Nga không mặn mà mua sắm thì lợi nhuận đến từ xuất khẩu của các nước này giảm đáng kể.
Lấy Moldova làm ví dụ, nguồn kiều hối từ Nga gửi về nước này giảm 20% trong quý IV năm 2014, trong khi đó xuất khẩu của Moldova giảm đi ít nhất là một nửa.
Dự trữ của Moldova đã giảm xuống dưới 2 tỷ USD là mức thấp nhất kể từ năm 2011, nên dễ hiểu vì sao khi đồng nội tệ của nước này lại nằm trong top 5 đồng tiền mất giá mạnh nhất năm 2014 trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, việc EU lan tầm ảnh hưởng đến một trong những nước quan trọng nhất nằm trong tầm ảnh hưởng cố hữu của Nga là Ukraine không chỉ đơn giản là việc một nước Ukraine gia nhập EU, mà là việc EU đang trực tiếp thách thức tầm ảnh hưởng của khối kinh tế Đông Âu mà Nga đang là hạt nhân, vốn vẫn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ, thậm chí được các chuyên gia coi là một Liên Xô khác.
Ukraine gia nhập EU cũng đồng nghĩa với việc Liên minh Châu Âu tước đi một trong những thành viên quan trọng nhất của khối kinh tế mà Nga đang dẫn dắt, cũng tức là một cuộc chiến Đông – Tây khác, nhưng là diễn ra trên lĩnh vực kinh tế.
Tầm ảnh hưởng gần như tuyệt đối cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế của Nga lên các nước láng giềng hậu Liên Xô vì thế đang biến các nước này gần như trở thành một liên minh chính trị - kinh tế để đối chọi lại với liên minh châu Âu EU.
Việc tước bỏ ảnh hưởng kinh tế của Nga với các nước láng giềng – vốn là bước đầu tiên trong chiến lược của EU để tước bỏ toàn bộ ảnh hưởng của Nga với các nước này – vì thế không phải là một việc dễ dàng, khi mà làm sao EU có thể đảo ngược một thực tế rằng ngân sách của các nước này một phần lớn đến từ nguồn kiều hối từ Nga.
Và Nga là thị trường xuất khẩu đóng vai trò quyết định đối với sự thịnh vượng hay suy sụp của nền kinh tế các nước này.
Bản thân Ukraine trước khi nổ ra cuộc xung đột cũng chịu ảnh hưởng của kinh tế Nga lớn hơn so với từ EU.
Người Ukraine đã quyết định chọn cách sử dụng bạo lực thay vì bằng con đường kinh tế để tách nước này ra khỏi tầm ảnh hưởng kinh tế của Nga, và thực tế đang cho thấy họ đã phải trả bằng một cái giá quá đắt.