Ông Mehdi Asali, đại diện Iran tại OPEC trả lời trên báo địa phương rằng Iran sẽ tiếp tục hoạt động sản xuất dầu cho đến khi đạt mức trước khi bị áp đặt cấm vận. Iran chỉ mới bắt đầu xuất khẩu dầu mỏ trở lại sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Dự kiến Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ của Venezuela sẽ có cuộc hội đàm tại Tehran nhằm mang về một thỏa thuận với Iran và Iraq trong ngày 17/2.
Thỏa thuận đóng băng dầu mỏ được xác lập giữa 4 quốc gia là Nga, Ả Rập Xê út, Venezuela và Qatar được đưa ra nhằm thúc đẩy giá dầu thô, hiện đã giảm 70% so với đỉnh điểm 116 USD/thùng ghi nhận vào năm 2014.
Dù vậy, kế hoạch này vẫn chưa khiến các doanh nghiệp dầu mỏ bị thuyết phục. Vào ngày 17/2, giá dầu Brent giảm 3,2%.
Ông Asali cho biết: “Việc yêu cầu Iran đóng băng sản xuất dầu mỏ là việc làm phi lý. Khi Iran còn bị cấm vận, một số nước đã đẩy mạnh khai thác dầu và chính họ đã khiến giá giảm xuống. Tại sao Iran phải hợp tác và trả giá?”.
Hiện Iran đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu dầu lên thành 1 triệu thùng mỗi ngày trong vòng 6 tháng tới. Một số nguồn tin thân cận với thỏa thuận cho biết Iran có thể sẽ được ưu đãi để tham gia vào thỏa thuận đóng băng khai thác dầu.
Một số chuyên gia đã bày tỏ sự nghi ngại đối với động thái này. Ông Paul Stevens, một nhà phân tích thị trường dầu mỏ người Anh cho biết, thỏa thuận đóng băng dầu mỏ “không mang lại bất kỳ sự tin cậy nào”.
Ông Stevens cho biết, Nga, một quốc gia không phải là thành viên OPEC, đã từng hủy ước với OPEC.
Trước đây vào năm 2001 Nga từng nhất trí với OPEC một thỏa thuận tương tự nhưng chưa bao giờ làm theo cam kết và đơn phương đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ.
Trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, Ả Rập Xê út và các nước OPEC trong vùng Vịnh đã thực hiện chiến lược đẩy mạnh sản xuất nhằm bảo vệ thị phần.
Ngoài ra, quan hệ giữa Ả Rập Xê út và Nga còn đang căng thẳng do vấn đề Syria. Nga đang ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi đó Ả Rập Xê út đang hậu thuẫn các nhóm nổi dậy ở Syria.