Hội nghị an ninh Munich lần thứ 51 diễn ra ngày 7/2 tại Đức trong bầu không khí căng thẳng, mang hơi hướng Chiến tranh lạnh khi Phó Tổng thống Mỹ phản đối chính sách của Tổng thống Nga Putin; Thủ tướng Đức nhắc lại câu chuyện Bức tường Berlin còn Ngoại trưởng Nga thì tuyên bố gốc rễ khủng hoảng xuất phát từ nỗi ‘ám ảnh của nước Mỹ’ muốn thống trị châu Âu.
Cùng với Ukraine, vấn đề bảo đảm an ninh chống khủng bố cũng là một tâm điểm trong chương trình nghị sự.
Hội nghị Munich lần này được đánh giá là một sự kiện lịch sử, với sự tham dự của hơn 20 nguyên thủ và 60 bộ trưởng các nước cùng thảo luận các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và đối phó với những phần tử thánh chiến tại Iraq và Syria.
Bầu không khí tại hội nghị khá căng thẳng, mặc dù vậy, các bên đều cho rằng không thể giải quyết vấn đề bằng giải pháp quân sự mà phải trên cơ sở thương lượng ngoại giao.
Phát biểu đầu tiên trong tư cách nước chủ nhà, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh sự can dự của Đức trên bình diện quốc tế nhưng giải thích vì sao bà không ủng hộ việc chuyển vũ khí cho Ukraine.
Bởi theo bà Merkel, cuộc xung đột không thể được giải quyết bằng quân sự mà phải tìm một giải pháp ngoại giao và châu Âu phải sử dụng thế mạnh của mình là sức ép về kinh tế.
Thủ tướng Đức mới có chuyến thăm đáng chú ý cùng Tổng thống Pháp Hollande đến Kiev và trước đó là Moscow, nhưng cũng thừa nhận không đảm bảo rằng Tổng thống Nga Putin sẽ thực hiện những gì mà châu Âu muốn.
Ngày 8/2, các nguyên thủ của Đức, Pháp, Ukraine và Nga sẽ có cuộc hội đàm qua điện thoại, song giới phân tích vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận.
Kế hoạch của Pháp và Đức vẫn vấp phải quan điểm mập mờ từ phía Tổng thống Ukraine Petro Porochenko.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Lavrov chỉ đưa ra vài lời khen ngợi xã giao đối với kế hoạch này nhưng đồng thời chỉ trích châu Âu đã hậu thuẫn cho cái mà Nga gọi là ‘đảo chính’ ở Ukraine lật đổ Tổng thống Yanukovich.
Một lần nữa Ngoại trưởng Nga khẳng định Crimea là một phần không tách rời của Nga phù hợp với nguyện vọng của người dân Crimea.
Theo Ngoại trưởng Nga, để lập lại hòa bình ở Ukraine, chính quyền Kiev phải thương lượng với đại diện các bên phía đông, kể cả những thành phần mà Tổng thống Ukraine hiện nay coi là ‘khủng bố’.
Về phía Mỹ, Phó Tổng thống Joe Biden tuyên bố chính quyền Obama đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng quan hệ với Nga kể từ năm 2009, nhưng từ năm 2012, Tổng thống Putin đã lựa chọn con đường khác.
Phó Tổng thống Mỹ khẳng định không tin một giải pháp quân sự có thể giải quyết vấn đề nhưng nhấn mạnh Nga không có quyền làm những gì họ đang làm và người dân Ukraine có quyền tự vệ phản đối.
Câu hỏi có hay không chuyển vũ khí cho Ukraine được châu Âu đặt công khai tại hội nghị.
Một số chuyên gia cho rằng Phó Tổng thống Mỹ dù không nói thẳng song cũng đã mập mờ khiến người ta hiểu khả năng đó có thể xảy ra nếu các cuộc thương lượng không đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, Đức đang phản đối mạnh mẽ ý tưởng này.
Chắc chắn đây sẽ là một nội dung thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Obama với Thủ tướng Đức tại Nhà trắng vào ngày 9/2, nhưng giới quan sát cho rằng Tổng thống Obama khó lòng thuyết phục được Thủ tướng Đức.
Bởi theo bà Merkel, dù chỉ chuyển ít vũ khí mang tính tượng trưng, song cũng dễ dàng khiến Tổng thống Nga tăng cường vũ khí cho lực lượng ly khai.
Rõ ràng câu chuyện tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine đang gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong châu Âu và giữa châu Âu với Mỹ- đồng minh số một bên kia bờ Đại Tây dương.
Tiếp ngay sau hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương NATO, câu chuyện chống khủng bố tiếp tục là điểm nóng trong chương trình nghị sự, đặc biệt sau hàng loạt hành động man rợ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các cuộc tấn công ngay trung tâm các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha.