Những người lạc quan thì cho rằng, đây chỉ là một giai đoạn khó khăn theo chu kỳ hình sin của chiến lược mà Mỹ và EU đang sử dụng để ngăn cản những tham vọng của Tổng thống Nga Putin đối với Ukraine.
Theo bình luận của tờ Fortune (Mỹ), thực tế thì tình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều.
Chẳng phải tự nhiên mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande lại phải vội vã bay sang để “nói chuyện hòa bình” với ông chủ của điện Kremlin.
Không có gì có thể che giấu được rằng họ đang ở thế yếu bởi họ bay sang Moscow với hai bàn tay trắng.
Trong lúc này, thứ đang sụp đổ nhanh hơn cả những chiến dịch của quân đội Ukraine ở miền Đông chính là nền kinh tế của Kiev còn các nhà lãnh đạo châu Âu lại không muốn tiếp tục bơm tiền vào cái thùng không đáy này.
Cả Pháp và Đức đều không muốn đưa quân đội của mình sang giúp Kiev còn chuyện viện trợ tài chính thì họ càng không muốn bởi EU cho rằng, chính quyền của ông Poroshenko đã chẳng cải thiện được chút nào trước nạn tham nhũng kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra hồi đầu năm 2014.
Điều này có nghĩa là họ chỉ có thể giúp Ukraine bằng cách “năn nỉ” ông Putin ngừng việc hỗ trợ cho phe ly khai ở miền đông nếu không muốn phải nhận thêm những đòn trừng phạt mới.
Tuy nhiên, ngay cả khi bàn thảo về một lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, chính nội bộ EU cũng bị chia rẽ rất mạnh.
Một tài liệu mật bị rò rỉ từ chính Hội đồng châu Âu cho biết, vòng đàm phán tiếp theo để đưa ra những kế hoạch trừng phạt Nga chỉ bao gồm việc bổ sung thêm một số quan chức “tầm trung” và một số doanh nghiệp nhà nước của Nga vào danh sách bị cấm vận.
Trừng phạt kiểu này quả thực chẳng thấm vào đâu so với những trận pháo kích dữ dội mà phe ly khai đang nã vào thành phố Mariupol kể từ hồi cuối tháng Giêng.
Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 5/2 vừa qua, người phát ngôn, thư ký báo chí Nhà Trắng, Josh Earnest đã thừa nhận rằng các đòn trừng phạt đã không mang lại kết quả mà họ mong muốn đối với các quyết định của ông Putin.
Mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ nói rằng cặp đôi Merkel – Hollande đến Nga bằng mong muốn của Mỹ nhưng thực tế là họ có những cách tiếp cận khác nhau.
Ở Mỹ, cả lưỡng viện, Tổng thống Barack Obama và ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đều thể hiện mong muốn sẵn sàng gửi vũ khí sát thương sang Ukraine để lấy lại thế cân bằng trên chiến trường và buộc Nga phải “trả giá bằng nhiều sinh mạng hơn” vì đã ủng hộ những kẻ nổi loạn.
“Chúng ta cần hỗ trợ người dân Ukraine trong việc tự bảo vệ chính mình”, Ashton Carter – người chuẩn bị nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng John Kerry lại tuyên bố: “Chúng ta cần có một giải pháp ngoại giao nhưng chúng ta không được nhắm mắt khi những chiếc xe tăng vẫn vượt biên giới từ Nga sang Ukraine”.
Về phần mình, bà Merkel lại kịch liệt phản đối những hành động khiến chiến sự leo thang. Trong cuộc gặp kín kéo dài vài giờ ở Kiev hôm 5/2, bà Merkel đã nhiều lần nhấn mạnh điều này với Tổng thống Ukraine Petro.
Người phát ngôn của bà Merkel, Steffen Seibert, cho biết bà và ông Tổng thống Pháp sẽ nói chuyện với Tổng thống Putin dựa trên một bản ghi nhớ 9 điểm trong đó yêu cầu các bên khôi phục lại thỏa thuận ngừng bắn đã ký hồi tháng 9 năm ngoái; cho phép phe ly khai có quyền lực lớn hơn ở địa phương (miền Đông) nhưng phải trao trả lại cho Kiev những vùng đất mà họ mới chiếm được và đổi lại sẽ chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ thuộc Nga kể từ vụ sáp nhập hồi năm ngoái.
Nhưng khi bà Merkel và ông Hollande còn chưa kịp gặp ông Putin thì đồng hryvnia của Ukraine đã giảm gần một nửa giá trị so với đồng USD trong ngày 5/2 sau khi ngân hàng trung ương Ukraine buộc phải ngừng hỗ trợ nó do quỹ ngoại tệ dự trữ đã cạn kiệt.
Nền kinh tế Ukraine đã sụt giảm tới 6,7% trong năm ngoái do mất Crimea và vùng Donetsk rộng lớn, trù phú.
Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính, Ukraine cần ít nhất 15 tỷ USD để tránh cho nền kinh tế khỏi bị phá sản nhưng con số này là không tưởng với điều kiện của IMF hiện tại.
Ở phía bên kia, dường như thời kỳ tồi tệ của nền kinh tế và thị trường tài chính Nga đã chấm dứt bởi giá dầu thô đã tăng trở lại.
Ở trong nước, sự ủng hộ chính trị đối với ông Putin vẫn được duy trì ở mức rất cao bất chấp tỷ lệ lạm phát đã lên mức 15,9% - mức cao nhất trong vòng 16 năm - trong tháng 1 vừa qua.