Suốt hàng thập kỷ khi chính quyền Trung Quốc phát triển các quan điểm về luật pháp quốc tế, nước này vẫn còn là một cường quốc hạng trung với mối quan ngại an ninh sâu sắc về lãnh hải và các khu vực va chạm với Mỹ - siêu cường thống trị toàn cầu. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên rằng trong một nỗ lực nhằm tranh thủ lợi ích từ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã chấp nhận hầu hết các quy tắc và chuẩn mực pháp lý quốc tế mà không phải thỏa hiệp những lợi ích nước này tin là mang tính sống còn.
Tương tự, khi đã trỗi dậy thành một cường quốc lớn, Trung Quốc vẫn nỗ lực hợp tác ở chừng mực có thể nếu họ không phải nhượng bộ lợi ích cốt lõi. Như vậy, theo nhiều cách thì Trung Quốc đã chấp hành khuôn khổ luật pháp quốc tế trong lĩnh vực biển.
Tuy nhiên, nước này đã ngừng thực thi đầy đủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế mà họ tin rằng chỉ làm lợi cho siêu cường Mỹ trong khi gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi trên biển của Trung Quốc. Những lợi ích này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, tài nguyên và các mối quan ngại an ninh của Trung Quốc, được Bắc Kinh nhìn nhận như là những lợi ích thiết yếu liên quan đến an ninh và sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước năm 1970, Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như không để ý tới các lợi ích trên biển mà chỉ tập trung vào nghị trình cách mạng của Mao. Kể từ khi thức tỉnh về lợi ích biển vào năm 1970, Trung Quốc đã kiên định theo đuổi các lợi ích biển thông qua các phương thức dựa trên vũ lực, thay vì sử dụng luật pháp. Điều này có thể có căn nguyên từ nhận thức rằng khuôn khổ pháp lý quốc tế về biển chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ và Liên Xô hơn là bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc.
Cho dù yếu hơn nhiều so với cả Mỹ và Liên Xô, Trung Quốc vẫn có đủ sức mạnh cần thiết để đứng ngoài thể chế đang có ảnh hưởng lớn này mà không phải trả giá quá đắt. Do vậy, thay vì sử dụng luật pháp quốc tế để theo đuổi các đòi hòi chủ quyền của mình thì Trung Quốc lại thường xuyên chọn cách sử dụng vũ lực.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 1970 đến 1995, Trung Quốc chủ yếu sử dụng sức mạnh quân sự để nâng cao vị thế trên biển của mình, chẳng hạn, Đá Vành Khăn năm 1995 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc chiếm từ tay Philippines - ND). Từ năm 1995 đến 2008, giai đoạn "chiêu thức quyến rũ" (charm offensive) của Trung Quốc, nước này sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị đang gia tăng nhanh chóng của mình để mưu toan thiết lập một trật tự khu vực có lợi mà theo đó họ có thể hiện thực hóa các lợi ích biển của mình.
Khi lựa chọn này tỏ ra không thành công, bắt đầu từ năm 2008 Trung Quốc đã chuyển hướng tiếp cận và áp dụng toàn diện sức mạnh chính trị, kinh tế, dân sự và bán quân sự để đạt được các mục tiêu này. Có thể nói chưa bao giờ trong suốt 6 thập kỷ vừa qua Trung Quốc có khi nào sử dụng luật pháp quốc tế để đạt được các lợi ích biển của mình cả.
Có 5 cách thức tiếp cận căn bản để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Liên quan đến các lựa chọn mang tính ngoại giao hay thể chế, giải pháp đầu tiên là thương lượng trực tiếp, song phương giữa các bên tham gia tranh chấp. Giải pháp thứ hai là đàm phán song phương thông qua một thể chế thích hợp, chẳng hạn như ASEAN hay LHQ, hoặc một cơ chế lâm thời giữa nhiều bên tranh chấp. Lựa chọn thứ ba là đưa tranh chấp ra phân xử thông qua một thể chế luật pháp quốc tế. Giải pháp thứ tư và thứ năm dựa trên sức mạnh - bao gồm cưỡng bức phi quân sự và xung đột vũ trang.
Trong 5 cách tiếp cận này, lựa chọn ưa thích của Trung Quốc là đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, nhưng các cuộc đàm phán này đã không đi đến đâu trong suốt hai thập kỷ qua bởi Trung Quốc thường đòi hòi quá đáng so với những gì mà các đối tác đàm phán có thể nhượng bộ.
Trung Quốc cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương trong quá khứ - cụ thể là trong giai đoạn từ 1995 đến 2008 - và lựa chọn này cũng đem lại một số thành công nhất định, điển hình là Tuyên bố chung của các bên về Biển Đông (DOC).
Khi ASEAN đoàn kết chống lại Trung Quốc sau sự kiện Đá Vành Khăn năm 1995, áp lực của tổ chức này đã buộc Trung Quốc phải hợp tác tích cực với ASEAN. Tuy nhiên, đến năm 2008, Trung Quốc cho rằng chỉ có mình đang đàm phán với thiện chí trong khi các bên khác tìm cách lợi dụng sự kiềm chế của Trung Quốc để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên hydrocarbon quý giá. Trung Quốc sau đó đã tìm mọi cách để chia rẽ ASEAN, ngăn không cho tổ chức này tạo nên bất kỳ sức ép tập thể có ý nghĩa nào đối với mình.
Tương tự, cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối phương án dùng tòa án hay trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp cho dù không nghi ngờ gì là Trung Quốc thực lòng tin rằng các đòi hỏi của họ là công bằng và hợp lý, họ cũng thừa biết rằng luật pháp quốc tế không ủng hộ nhiều đòi hỏi của họ, đặc biệt là những đòi hỏi quá đáng - như quyền tài phán trên các vùng biển của Biển Đông dựa trên đường 9 đoạn.
Sau cùng, trong vài thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã bị ngăn không cho sử dụng xung đột vũ trang để giải quyết tranh chấp - giải pháp mà họ đã áp dụng thành công vào năm 1974 ở quần đảo Hoàng Sa và 1988 ở Đá Chữ Thập.
Bởi vậy, từ năm 2008 đến nay, trọng tâm chiến lược của Trung Quốc là tìm cách giải quyết khoảng trống giữa xung đột quân sự - lựa chọn mà họ bị ngăn cấm - và phương thức liên quan đến thể chế vốn bị Trung Quốc cho là không hiệu quả trong việc thúc đẩy lợi ích của họ. Trong khoảng trống giữa hai chiến lược này xuất hiện giải pháp dựa trên vũ lực: cưỡng bức/đe nẹt phi quân sự.
Một ví dụ điển hình về việc Trung Quốc triển khai các biện pháp cưỡng bực phi quân sự như thế nào để củng cố các đòi hỏi ở các khu vực biển xung quanh có thể thấy ở sự kiện bãi cạn Scaborough năm ngoái hay đụng độ giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trong mấy tuần gần đây quanh Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây) hay cuộc tranh chấp dai dẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.
Những sự kiện này minh chứng cho một số khía cạnh chính yếu trong chiến lược của Trung Quốc nhằm thúc đẩy lợi ích của nước này trong phạm vi đường 9 đoạn.
Trước tiên và có lẽ rõ ràng nhất là khoản đầu tư khổng lồ và chương trình mở rộng các cơ quan hàng hải dân sự. Trung Quốc hiện duy trì sự hiện diện liên tục tại các vùng biển tranh chấp. Số lượng tàu thuyền của họ thậm chí đông hơn hẳn số tàu thuyền gộp lại của tất cả các bên tranh chấp khác, tạo ra một sự hiện diện mang tính đe dọa và sự kiểm soát thực tế đối với phần lớn các vùng biển tranh chấp.
Tàu cá Trung Quốc co cụm để chống bị bắt giữ khi xâm phạm lãnh hải nước ngoài
Yếu tố thứ hai của chiến lược này là sự hợp nhất năng lực hàng hải dân sự khổng lồ mà Trung Quốc đã phát triển được trong hai thập kỷ qua dưới hình thức mới của chiến tranh nhân dân. Các tàu cá Trung Quốc được cho là nhận các ưu đãi tài chính và hỗ trợ hậu cần để hoạt động trong khu vực phía nam của biển Đông và có thể đổ bộ ồ ạt vào một điểm nóng nhằm hỗ trợ hành động của chính phủ theo một cách thức áp đảo các lực lượng chấp pháp của các nước đối thủ - đặc biệt là ở Biển Đông.
Ba là, Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy từ sức mạnh kinh tế vượt trội của mình thông qua những cam kết thương mại có chọn lọc của các doanh nghiệp nhà nước, các dự án hạ tầng và các món quà chính thức, viện trợ và cho vay ưu đãi. Những hình thức này có thể được mở rộng hay bị trì hoãn nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách quốc gia - một ví dụ có thể dẫn ra là việc nước này ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng 2010 hay việc hủy bỏ các đơn hàng nhập khẩu chuối từ Philippines năm 2012.
Thứ tư, Trung Quốc đã cải thiện các thể chế và luật pháp nội địa nhằm hợp lý hóa và quản lý các khu vực biển mà họ đang ngày càng giành được quyền kiểm soát. Những bộ luật này được xây dựng nhằm tổ chức và điều phối nỗ lực của các cơ quan trong nước nhưng chúng cũng nhằm nâng giá phải trả của các đối thủ. Bởi lẽ khi Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các đảo và vùng biển ở Biển Đông, họ đồng thời cũng ngăn chặn những hành động chống lại họ bằng cách xem tất cả những hành động đó như nguyên cớ để nước này phải tiến hành tự vệ.
Cũng như thế, Bắc Kinh đã gây áp lực tâm lý và dư luận lên các nước láng giềng bằng cách khuấy động cơn sốt dân tộc chủ nghĩa của người Trung Hoa cũng như thông qua các chiến dịch truyền thông, chẳng hạn như vụ tuyên truyền rầm rộ đầu năm 2012 về việc nước này triển khai giàn khoan nước sâu.
Thứ năm, mặc dù duy trì vai trò gián tiếp, Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA) vẫn là một thành tố quan trọng trong chiến lược này. Giống như trong suốt sự kiện bãi cạn Scaborough, các tàu chiến của hải quân PLA chưa khi nào ở xa vị trí tranh chấp và những tàu chiến này đóng vai trò như một sự răn đe rằng Trung Quốc có thể kiểm soát bất kỳ hành động leo thang nào mà các nước đối thủ định thực hiện. Sự kết hợp của đòn bẩy kinh tế, sức mạnh hàng hải dân sự và sức mạnh răn đe quân sự đã cho phép Trung Quốc triển khai một chiến lược sẽ gây ra rất ít hậu quả leo thang căng thẳng, trừ phi xảy ra xung đột vũ trang.
Có thể nói chỉ có duy nhất một khía cạnh trong chiến lược của Trung Quốc liên quan đến luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ của luật pháp để biện hộ cho các đòi hỏi của mình và quyền sử dụng sức mạnh để theo đuổi những đòi hỏi đó. Nhưng đáng tiếc là Trung Quốc cho đến nay vẫn chọn cách không chính thức điều chỉnh các đòi hỏi của mình tuân theo luật pháp quốc tế hay sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế để giúp giải quyết tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng.
Nói tóm lại chiến lược hiện tại của Trung Quốc bao gồm sử dụng sức mạnh và thậm chí là vũ lực ở cường độ thấp chứ không phải là luật pháp quốc tế hay các cơ chế của nó.