Biển Đông: Vũ trang mạnh cho tuần duyên, Trung Quốc chủ mưu gây rối

My Lan |

(Soha.vn) - Thông tin của AFP cho biết, lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc bao gồm 11 đội tàu, 16.000 quân đã bắt đầu hoạt động.

	Một tàu tuần tra bờ biển của Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Một tàu tuần tra bờ biển của Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Lực lượng tuần tra bảo vệ bờ biển Trung Quốc sẽ thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng hải, đảm nhiệm các chức năng có từ trước của lực lượng hải giám bảo vệ bờ biển nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát, ngư chính, cũng như cảnh sát hải quan biển chống buôn lậu.

Thông tin của AFP cho biết, lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc sẽ bao gồm 11 đội tàu, 16.000 quân.

Các lực lượng “trước kia không được phép được trang bị vũ khí có thể được trang bị ngay bây giờ”, Yang Mian, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cho hay.

Trong một bài bình luận trên tờ PLA Daily, nhà nghiên cứu quân sự Zhang Junshe của Trung Quốc ngang ngược cho rằng, lực lượng mới sẽ "có các phương tiện thực thi pháp luật một cách hợp pháp và có cơ sở", "phát hiện và nhanh chóng xử lí theo luật các hành vi gây hại tới quyền và lợi ích về hàng hải của Trung Quốc".

Thực chất, tuyên bố sai trái này là luận điệu vụng về nhằm biện minh trước cho các hành vi gây hấn và xâm phạm chủ quyền mà lực lượng tuần duyên mới của Trung Quốc sẽ gây ra trên các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền trái phép.

Tiếp tục luận điệu hiếu chiến, ông Zhang còn lớn tiếng nhận định lực lượng mới sẽ giải quyết các xung đột xảy ra trong vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, theo luật pháp nước này và "cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung Quốc có thẩm quyền không thể chối cãi trên các vùng biển".

Cái gọi là "giải quyết theo luật pháp Trung Quốc" trên thực tế cho thất, nước này hoàn toàn coi thường các quy định và luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp trên biển. Còn cái gọi là "thẩm quyền không thể chối cãi của Trung Quốc" thì từ lâu đã bị dư luận quốc tế và khu vực phản đối quyết liệt, vì nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Trong một nghiên cứu của mình, chuyên gia Gary Li từ hãng nghiên cứu IHS đánh giá rằng lực lượng này sẽ khiến hoạt động tuần tra bờ biển của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp trở nên hung hăng hơn và "có tác động đáng kể đối với các tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và biển Đông, quanh Senkaku/Điếu Ngư và Trường Sa".

Cũng đồng quan điểm này, ông Arthur Ding, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chengchi (Đài Loan) nhận định hoạt động tuần tra của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông sẽ trở nên "thường xuyên và hiếu chiến hơn... Với danh nghĩa là bảo vệ bờ biển, các tàu của lực lượng này có thể sẽ được phép mang theo vũ khí hạng nhẹ... Những động thái tức thì nhằm xử lí những vụ việc mà Trung Quốc tự ý chụp mũ là 'hành vi bất hợp pháp' có thể tăng lên và những bất đồng với các nước láng giềng có thể cũng sẽ tăng lên".

Theo ông, năng lực hàng hải của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng trong những năm trở lại đây. Các lực lượng đã được trang bị tàu lớn hơn với phạm vi hoạt động xa hơn, có khả năng tuần tra gần các khu vực tranh chấp trong khoảng thời gian dài hơn. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng trên các vùng biển mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền trái phép.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại