Trung Quốc ngang ngược lên kế hoạch mở đường bay ra Hoàng Sa

Như Ngọc |

(Soha.vn) - Một công ty hàng không Trung Quốc đã lập kế hoạch dùng thủy phi cơ đưa khách du lịch ra cái gọi là “Thành phố Tam Sa” - một động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

	Trung Quốc đưa khách du lịch phi pháp đến đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trung Quốc đưa khách du lịch đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp (Ảnh minh họa)

Trong một bài viết được đăng tải hôm nay trên Nhân dân Nhật báo, tổng giám đốc Công ty hàng không Meiya Air, Mo Qun không ngớt lời huênh hoang về kế hoạch biến cái gọi là “Thành phố Tam Sa” (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thành “Maldives” của Trung Quốc (quần đảo Maldives là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Ấn Độ Dương).

Mo cho biết công ty ông ta đã mua 5 thủy phi cơ để thực hiện kế hoạch phi pháp trên. Ông này còn cho biết hai chiếc thủy phi cơ Cessna, có thể chở 19 hành khách, hiện đã có mặt ở Tam Á, số còn lại sẽ được điều động tới sớm.

Theo thông tin do Mo Qun công bố: "Meiya Air đang có kế hoạch mở đường bay tốc hành từ thành phố Tam Á đến Tam Sa". Khi đó, khách du lịch sẽ chỉ mất 70 phút bay thay vì mất 10 giờ đồng hồ nếu đi thuyền.

Mo còn ngang ngược cho biết "Sau đó, các chuyến bay giữa các đảo của Tam Sa sẽ là mục tiêu tiếp theo của chúng tôi". Hiện công ty của ông ta đang chờ đợi chính phủ Trung Quốc phê duyệt các kế hoạch nói trên.

Mo và những kẻ đồng mưu với ông ta ở cấp cao hơn đã tính toán rất kỹ khi chọn thủy phi cơ. Phương tiện này có lợi thế vì chúng không cần một đường băng để cất cánh hoặc hạ cánh và có thể bay khoảng 1.500 km trước khi tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, khoảng cách từ Tam Á đến Hoàng Sa (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và tự ý nhập vào "thành phố Tam Sa") là khoảng 340 km.

Đây là bước leo thang nguy hiểm tiếp theo trong kế hoạch thâm độc của Trung Quốc nhằm thôn tính lâu dài quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một năm trước, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, bất chấp sự thật là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố thành lập thành phố phi pháp "Tam Sa" bao gồm cả hai quần đảo này.

Trước đó, vào hôm thứ Sáu, giai đoạn 1 của quá trình xây dựng phi pháp cảng dân dụng trên đảo Phú Lâm của Việt Nam đã được hoàn thành với 9 cầu cảng. Chưa kể việc Trung Quốc còn tạo ra tàu Tam Sa 1 và tuyên bố sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2014 để giúp vận chuyển vật liệu cần thiết ra các đảo.

Hàng loạt các hành vi xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam cho thấy, Trung Quốc không hề muốn tìm kiếm "giải pháp thương lượng" ở Biển Đông như các đại diện ngoại giao của họ vẫn rêu rao gần đây. Và luận điệu "tranh chấp trên Biển Đông không phải do Trung Quốc gây ra" của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin mới tuyên bố cuối tuần trước chỉ là một phát ngôn giả dối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại