Hoàn Cầu: "Không có Trung Quốc, TPP chỉ là khiếm khuyết"

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã "phản pháo" tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama rằng với TPP, Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc "viết quy tắc kinh tế toàn cầu".

"TPP nhằm vào Trung Quốc"

Sau khi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thành công sáng 5/10 (giờ địa phương) tại Atlanta, Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố "không thể để Trung Quốc viết ra quy tắc kinh tế toàn cầu".

Theo ông Obama, Mỹ cần phải hoạch định các quy tắc để giúp hàng hóa Mỹ khai thác các thị trường mới và bảo đảm nguyên tắc cao đối với các tiêu chuẩn về bảo hộ lao động và môi trường.

Đây không phải là lần đầu ông Obama dùng quan điểm này tạo "chỗ dựa" chắc chắn cho TPP mà Mỹ chủ đạo nhằm vào Trung Quốc, Hoàn Cầu bình luận.

Hoàn Cầu cho rằng, các quốc gia "bị Mỹ lôi kéo gia nhập TPP" đều ít nhiều có ý muốn tạo ra một sự hạn chế đối với Trung Quốc. Các nước thành viên TPP "rất có thể cũng muốn thúc đẩy Hiệp định từ góc độ này".

"Trong điều kiện trao đổi thương mại cũng như địa chính trị phức tạp, điều này không có gì đáng ngạc nhiên", Hoàn Cầu viết, thêm rằng vấn đề nằm ở chỗ "ý đồ này có thể được thực hiện tới mức độ nào".

"Hiệp định thương mại nào không có Trung Quốc đều là khiếm khuyết"

Tờ này đánh giá, các nước thường cho rằng hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cho quốc gia thành viên những cơ hội đặc biệt và tạo ra hiện tượng "chuyển dịch mậu dịch" tiêu cực đối với những nước không tham gia hiệp định.

TPP có thể gây cho Trung Quốc ảnh hưởng nhất định trong một thời gian và phạm vi nhất định và bắc Kinh cần nghiêm túc nghiên cứu, tìm cách đối phó với thách thức này.

Hoàn Cầu đáp trả, Mỹ muốn lợi dụng TPP để khiến Trung Quốc "không chột cũng què" thì đã là một sự thổi phồng quá mức.

"TPP chỉ là một hiệp định thương mại khu vực, trình độ phát triển của 12 nước thành viên cũng không cân bằng. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, hiệu quả thương mại từ phần còn lại không lớn.

Mặc dù Washington cho biết sau này vẫn kết nạp thêm thành viên mới, nhưng nếu nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu là Trung Quốc không ở Trong đó thì TPP trước sau vẫn là khiếm khuyết, sức sống chỉ có hạn."

Theo Thời báo Hoàn Cầu, cục diện tổng thể của nền kinh tế thế giới lúc này là "trong anh có tôi, trong tôi có anh". Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều thành viên quan trọng trong TPP như Nhật Bản, Singapore, Australia...

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Australia.

"Việc đơn phương kiềm chế Trung Quốc không chỉ khó khăn mà tất yếu sẽ dẫn đến việc tự làm bị thương chính mình. Hợp tác đa phương cùng có lợi đang là nhận thức chung ngày càng phù hợp với logic thực tế."

Hoàn Cầu phân tích, châu Á-Thái Bình Dương sắp đón nhận TPP, nhưng đây vẫn chỉ là một tiêu chuẩn của khu vực.

Muốn nó trở thành quy tắc thống nhất trên toàn cầu cần phải sửa đổi phù hợp với khuôn khổ thể chế đa phương và được các tầng lớp ở Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thông qua.

"Hiệp định TPP không thể tạo ra hoặc dẫn dắt một quy tắc quốc tế mới, mà nhiều nhất chỉ giúp Mỹ gia tăng tầm ảnh hưởng trên phương diện thương mại khu vực.

Mỹ tuyên bố không cho phép Trung Quốc thiết lập quy tắc kinh tế, song quy tắc mà Mỹ làm chủ đạo cũng không có gì khá hơn."

Hoàn Cầu TPP "không phải là chuyến xe cuối cùng mà Trung Quốc bỏ lỡ", Trung Quốc cũng không mất mát gì ở đây.

Theo đó, quốc gia này chỉ đơn giản là phải "làm tốt việc của mình", ổn định kinh tế và phát triển thương mại thì "không ai làm gì được Trung Quốc".

"Đối với bất kỳ một khuôn khổ thương mại mang tính quốc tế nào, nếu Trung Quốc không gia nhập thì nó sẽ không hoàn hảo được. Giống như WTO, thiếu Trung Quốc là khiếm khuyết.", Hoàn Cầu nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại