Tịch thu vô số tiền, vàng và nhà
Tờ “Đông phương Nhật báo” và một số báo điện tử ngày 29/3 đã đăng tải thông tin cho biết: các phóng viên đã có được bản “Thông báo nội bộ” của “Tổ chuyên án Chu Vĩnh Khang và gia đình” thuộc Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương về “Danh mục kiểm kê khám nhà” đối với Chu Vĩnh Khang.
Bản Thông báo nội bộ cho biết: Trong các ngày 2/12/2012, 10 và 22/1/2014, Viện Kiểm sát 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Liêu Ninh, Giang Tô, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông đã ra lệnh khám xét 3 đợt đối với 29 khu nhà ở của gia tộc Chu Vĩnh Khang tại đây.
Kết quả: Chu Vĩnh Khang và những người thân (vợ con, anh em) có tổng cộng 326 căn nhà với tổng trị giá 1 tỷ 760 triệu tệ ở 12 thành phố: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Đại Liên, Tế Nam, Yên Đài, Thành Đô, Nam Kinh, Vô Tích, Tô Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến.
Qua khám xét đã thu giữ 47,850 kg vàng, bạc; số lượng rất lớn tiền mặt gồm hơn 150 triệu tệ, hơn 2 triệu 700 ngàn USD, hơn 660 ngàn Euro, 110 ngàn Bảng Anh, 550 ngàn Franc Thụy Sĩ.
Ngoài số tiền, vàng, các nhân viên điều tra còn thu giữ số lượng lớn đồ cổ, 55 tranh thư pháp quý tổng trị giá ước tính từ 800 triệu đến 1 tỷ tệ; 62 xe ô tô các loại trong đó có cả xe quân sự và nhiều siêu xe đắt tiền.
Nghiêm trọng hơn, đã phát hiện Chu Vĩnh Khang và người thân đã tàng trữ trái phép cả “kho vũ khí” 27 khẩu súng, gồm 15 khẩu súng ngắn K76, K96, K99 do Trung Quốc sản xuất, 12 khẩu súng ngắn của Đức, Nga, Anh, Bỉ và hơn 11 ngàn viên đạn các cỡ.
Các nhân viên điều tra còn phong tỏa 947 tài khoản nội tệ, 117 tài khoản ngoại tệ đặt tại 133 ngân hàng với tổng trị giá hơn 37,7 tỷ tệ. Người ta còn thu giữ số cổ phiếu các ngành dầu khí, hàng không, ngân hàng, sản xuất rượu trị giá 51,3 tỷ tệ và cổ phiếu nước ngoài trị giá 170 triệu tệ.
Theo thống kê bước đầu, tổng số của cải mà Chu Vĩnh Khang và gia tộc vơ vét được đã lên tới 100 tỷ tệ (16 tỷ USD).
Kẻ cầm đầu tập đoàn thế lực đen lớn nhất Trung Quốc
Thông báo này cho rằng, Chu Vĩnh Khang là kẻ cầm đầu Tập đoàn thế lực đen lớn nhất kể từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (1949) đến nay. Vụ án Chu Vĩnh Khang đã được chuyển sang cơ quan tư pháp xử lý từ tháng 2/2014.
Tuy vụ án chưa được chính thức công bố, nhưng các nhà phân tích cho rằng với phạm vi ảnh hưởng, những tội gây nguy hại cho xã hội, Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với án tử hình.
Tính đến nay, đã có tổng cộng 313 người có liên quan đến Chu Vĩnh Khang gồm người thân trong gia tộc, quan chức trong hệ thống Dầu khí, hệ thống Chính Pháp, quan chức ở Tứ Xuyên bị bắt.
Cụ thể: 11 quan chức cấp Thứ trưởng, 56 quan chức cấp Sở, Vụ, 14 người thân trong gia đình, 28 nhân viên công tác và cảnh vệ, ngoài ra còn 11 người đang bỏ trốn chưa bắt được (trong đó có em gái vợ là Giả Hiểu Hà, Thư ký Lương X. và một cô nhân tình họ Lâm).
Báo chí phân tích, Chu Vĩnh Khang đã cài cắm người thân vào cả 3 hệ thống trên, biến 3 hệ thống thành nơi để Chu gia trục lợi, thành nguồn cung của cải. Nhiều thư ký các thời kỳ của Chu trong thời gian ông ta công tác trong ngành Dầu khí, ở Tứ Xuyên và Bộ Công an sau khi được bố trí giữ các chức vụ quan trọng như Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Lý Hoa Lâm, Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường, Phó Tỉnh trưởng Hải Nam Ký Văn Lâm… đều lần lượt bị cách chức, bị điều tra.
Theo “Đông Phương nhật báo”, việc Trung Quốc trì hoãn công khai vụ án nghiêm trọng Chu Vĩnh Khang là có một số lý do: Thứ nhất, đang nghiên cứu xem có đưa từ “Tập đoàn” vào tên vụ án này hay không. Có ý kiến nên đặt tên là “Vụ án tập đoàn tham nhũng Chu Vĩnh Khang” và định tính là “Tập đoàn tham nhũng lớn nhất kể từ khi thành lập nước (1949) đến nay”. Thứ hai, Chu Vĩnh Khang kiên quyết chống lại công tác điều tra của Ủy ban KTKL trung ương.
Hiện Chu Vĩnh Khang đang bị giam ở Thiên Tân, trong thời gian bị điều tra đã kiên quyết không hợp tác, thậm chí đã uống thuốc độc định tự sát, may mà nhân viên quản lý phòng giam phát hiện được, kịp thời đưa đến bệnh viện rửa ruột nên mới thoát chết.
Riêng ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang làm Bí thư tỉnh ủy từ 1999 đến 2002 đã hình thành nên hệ thống thế lực rất mạnh. Theo trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, chỉ riêng năm 2013, Ủy ban KTKL tỉnh ủy đã lập hơn 9.900 hồ sơ, điều tra gần 10 ngàn đảng viên, gây nên “trận động đất quan trường”, qua đó loại bỏ nhiều tay chân của Chu Vĩnh Khang ở đây, trong đó có một số quan chức cấp tỉnh.