Cuộc gặp thượng đỉnh mang tính đột phá cố lãnh đạo Kim Jong-il và cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung được tổ chức tháng 6/2000 từng đưa bán đảo Triều Tiên tiến gần hơn tới tiến trình hòa giải.
Sau cuộc gặp lịch sử, hai nhà lãnh đạo ký kế hoạch 5 điểm để thúc đẩy tiến trình khôi phục quan hệ thông qua hợp tác kinh tế và văn hóa. Hội nghị thượng đỉnh lần đó mở đường cho các hoạt động du lịch vùng núi biên giới Kumgang và sự ra đời của Khu công nghiệp chung Kaesong.
Tuần trước, một cơ quan chính phủ Bình Nhưỡng từng đóng vai trò thúc đẩy việc thực thi các dự án sau hội nghị thượng đỉnh năm 2000 gửi lời mời Seoul tham dự lễ kỷ niệm sự kiện trên tại núi Kumgang hoặc ở Kaesong. Tuy nhiên, hôm nay, Bộ Thống nhất Hàn Quốc chính thức từ chối và nói rằng đây là “nỗ lực 2 mặt” của Bình Nhưỡng nhằm lấy lòng dư luận.
“Nếu Triều Tiên thực sự muốn đối thoại, bước đầu tiên họ cần hồi đáp yêu cầu mà chúng tôi tổ chức các cuộc đàm phán cấp chính phủ về Khu công nghiệp Kaesong", Phát ngôn viên Kim Hyung-seok của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh.
Đồng thời, Seoul cũng tuyên bố: “Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Rất nhiều người Hàn Quốc có thể tới Triều Tiên nhân sự kiện này. Điều này sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề liên quan trong đó có việc đảm bảo an toàn cho mọi người”, phát ngôn viên Hàn Quốc tiếp tục.
Trước đó, hoạt động du lịch ở vùng núi Kumgang bị đình chỉ năm 2008 sau khi một du khách Hàn Quốc bị bắn chết khi đi lạc vào khu vực quân sự. Còn Khu công nghiệp chung Kaesong – biểu tượng cuối cùng của sự hợp tác giữa 2 miền Triều Tiên – trở thành nạn nhân của căng thẳng liên Triều những tháng gần đây và cũng bị đóng cửa hồi tháng 4 vừa qua.
Tương tự, Ngoại trưởng Hàn Quốc, Yun Byung-Se cũng lên tiếng bác bỏ đề nghị nối lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân của Triều Tiên và tuyên bố cần phải có bằng chứng chứng tỏ sự chân thành của Bình Nhưỡng.
Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là không đối thoại chỉ để… đối thoại. Điều quan trọng hiện nay là Bình Nhưỡng phải thể hiện sự chân thành của họ trước cộng đồng quốc tế bằng cách thực hiện cam kết giải trừ hạt nhân trong quá khứ", ông Yun nhấn mạnh.
Bình luận của ông Yun đến sau chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên Triều Tiên, Choe Ryong-Hae - người đã được diện kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và trao cho ông bức thư tay của lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Tiết lộ về nội dung bức thư, truyền thông Trung Quốc loan tin, Bình Nhưỡng tỏ ý muốn nối lại đàm phán với Seoul và các bên liên quan bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Giới quan sát Hàn Quốc tỏ ra hoài nghi về thông tin trên và cho rằng, đây chỉ là chiêu xoa dịu Bắc Kinh của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã nhiều lần tuyên bố không bao giờ mang chương trình hạt nhân ra thương lượng, đàm phán.
Hơn nữa, đưa tin về chuyến thăm Trung Quốc của Tướng Choe, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng không hề đề cập tới bất cứ đề nghị đối thoại nào. Trong khi đó, Seoul và Washington đòi Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân để mở đường cho các cuộc đàm phán chính thức.