Gấu trúc: Hành trình từ quái thú đến "quốc bảo" Trung Quốc

Hải Võ |

Hơn 100 năm về trước, thực tế loài gấu trúc Trung Quốc không hề có vị thế xã hội cao như hiện nay, thậm chí loài vật này còn bị xem như "quái thú" và trở thành con mồi bị săn bắn. Tạp chí iRead (Trung Quốc) đã tiết lộ cuộc hành trình "đổi đời" của gấu trúc cùng những động cơ chính trị bên cạnh đó.

Gấu trúc Trung Quốc từng bị phương Tây coi là “trào lưu” trong môn săn bắn

Bài viết của tạp chí iRead được đăng tải trên blog của Sina cho biết, gấu trúc vốn là loài động vật sinh sống cách biệt với loài người, ở trong các dãy núi sâu tại khu vực Tứ Xuyên – Tây Tạng. Trong các thư tịch cổ của Trung Quốc có gọi tên loài vật này là con “beo”, tuy nhiên gần như không thể tìm được những ghi chép xác thực về chúng, cũng không có hình ảnh. Có truyền thuyết nói, loài “quái thú” này thường chạy xuống núi và… ăn hết đinh ốc trên các cổng thành.

Loài gấu trúc hiền lành với vẻ ngoài đáng yêu được Trung Quốc xem như quốc bảo và trở thành đại sứ ngoại giao của quốc gia này. Ảnh: Sina.

Loài gấu trúc hiền lành với vẻ ngoài đáng yêu được Trung Quốc xem như "quốc bảo" và trở thành "đại sứ ngoại giao" của quốc gia này. Ảnh: Sina.

Năm 1862, một nhà truyền giáo người Pháp tên David đã phát hiện ở Trung Quốc một “tấm da gấu đen trắng rất đặc biệt”. Theo đó, David cho rằng gấu trúc “sẽ trở thành một loài động vật mới rất thú vị ”. Ông này cũng có ý định đưa một con “gấu đen trắng” về châu Âu, tuy nhiên chú gấu này đã chết trong quá trình vận chuyển, tấm da của nó được gửi tới Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Paris.

Cũng theo bài viết của iRead, việc tấm da gấu trúc Trung Quốc được triển lãm đã tạo nên một làn sóng trong giới khoa học và thám hiểm phương Tây, và nhiều đoàn nghiên cứu đã được cử tới Trung Quốc để tìm hiểu về loài vật thú vị này. iRead tiết lộ, trong những chuyến đi này còn có sự tham gia của 2 con trai của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt.

Trung Quốc và những lần bẽ mặt vì ngoại giao gấu trúc Trung Quốc và những lần bẽ mặt vì "ngoại giao gấu trúc"

Trung Quốc xem gấu trúc là “báu vật quốc gia”, và hiện chỉ có khoảng 1.600 con gấu trúc trên toàn thế giới.

Trong cuốn sách “Theo dấu gấu trúc” phát hành năm 1929 đã mô tả lại cảnh săn bắn gấu trúc. “Chúng tôi cùng nổ súng về phía con gấu trúc đang chạy xa, hai phát đều trúng đích. Con gấu gục xuống, nhưng đã nhanh chóng bò dậy và chạy vào rừng sâu” – Cuốn sách của anh em Roosevelt “con” viết.

iRead cho biết, cuốn sách trên đã tạo thành một tiền lệ, và mở đầu phong trào tới Trung Quốc săn gấu trúc của người phương Tây. Theo đó, từ năm 1936 tới 1946, số lượng gấu trúc còn sống được vận chuyển khỏi Trung Quốc có tới hơn 16 con, còn số tiêu bản xuất hiện tại các viện bảo tàng khắp thế giới là hơn 70 bộ.

Trong giai đoạn này, gấu trúc được truyền thông phương Tây xem là một truyền thuyết thần bí, và người phương Tây đổ tới Trung Quốc săn gấu chủ yếu xuất phát từ tâm lý tò mò.  Đây là thời kỳ mà nhận thức của phương Tây đối với gấu trúc Trung Quốc chỉ dừng lại ở mức độ “con mồi”.

Phải tới năm 1961, khi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) còn đang trong giai đoạn trù bị, chú gấu trúc Xixi mà Vườn thú London trao đổi với Bắc Kinh đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà khoa học, và sau đó trở thành biểu tượng của tổ chức này.

Hình ảnh gấu trúc trên một tấm poster của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Ảnh: Sina.

Hình ảnh gấu trúc trên một tấm poster của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Ảnh: Sina.

Trung Hoa Dân Quốc – thời kỳ chuyển mình thành “quốc bảo” của gấu trúc

Trong tác phẩm nói về vấn đề “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc, tác giả Nhật Bản Ienaga Masayuki tiết lộ, cho tới năm 1938, chính quyền Trung Quốc vẫn còn xem gấu trúc là loài động vật có hại. Người bản địa tại Tứ Xuyên còn ra sức giúp đỡ người Tây săn gấu trúc, bởi công việc này được trả thù lao bằng cả năm làm ruộng của nông dân.

Chính quyền Trung Quốc khi đó cũng nhận ra “cơn sốt gấu trúc” tại phương Tây, cho nên vào năm 1941, chính phủ Dân Quốc đã tặng Mỹ 2 con gấu trúc nhằm cảm ơn sự viện trợ từ nước này. Đây chính là sự kiện mở màn cho mô hình “ngoại giao gấu trúc” thời cận hiện đại.

Từ dã thú trong rừng sâu trở thành đại lễ để tặng các quốc gia đồng minh chính là bước chuyển mình mấu chốt trong hình tượng chú gấu trúc.

Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949, “quốc lễ gấu trúc” đầu tiên đã được dành tặng cho Liên Xô vào năm 1957.

Trong thập niên 1960, Trung Quốc cũng tặng gấu trúc cho Triều Tiên.

Bước sang những năm 1970, nhờ “phá băng” quan hệ với phương Tây, Trung Quốc đã tặng gấu trúc cho Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Tây Đức, Mexico và Tây Ban Nha. Đây là giai đoạn mà “ngoại giao gấu trúc” chủ yếu chịu ảnh hưởng từ chính sách ngoại giao của chính quyền Trung Quốc cũng như sự ảnh hưởng từ quốc tế.

Danh sách tên những chú gấu trúc cùng các nước từng được Trung Quốc tặng và cho thuê gấu tính đến năm 2009. Nhật Bản từng được Bắc Kinh tặng và cho thuê gấu trúc tới 4 lần. Ảnh: Sohu.

Danh sách tên những chú gấu trúc cùng các nước từng được Trung Quốc tặng và "cho thuê gấu" tính đến năm 2009. Nhật Bản từng được Bắc Kinh tặng và "cho thuê" gấu trúc tới 4 lần. Ảnh: Sohu.

Tạp chí iRead cho biết, với tính chất là loài động vật được phát hiện tại Trung Quốc, gấu trúc luôn nhận được sự quan tâm cao từ phương Tây. Bên cạnh đó, bản chất ôn hòa của gấu trúc khiến loài động vật này trở thành “tàu phá băng” giúp “nâng đỡ” hình tượng của Trung Quốc đối với quốc tế, đặc biệt là vào thời kỳ quan hệ của nước này và phương Tây luôn trong trạng thái căng thẳng.

Nhiều thập kỷ “gánh vác” trọng trách duy trì quan hệ ngoại giao đã nâng cao vị thế của chú gấu trúc trong con mắt người dân Trung Quốc. Năm 1979, Xưởng phim điện ảnh mỹ thuật Thượng Hải đã sản xuất bộ phim hoạt hình đen trắng “Bách hóa gấu trúc”, trong đó thể hiện ý tưởng gấu trúc “vì nhân dân phục vụ”.

Năm 1982, xưởng phim này tiếp tục cho ra đời bộ phim “Gấu trúc nhỏ làm thợ mộc”, tạo dựng hình tượng chú gấu trúc vui vẻ luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.

Vào năm 1988, Trung Quốc chính thức xác định gấu trúc là loài động vật cần bảo vệ cấp 1 quốc gia. Đây cũng là thời điểm mà gấu trúc chính thức trở thành “quốc bảo” của Trung Quốc, sau hàng chục năm đối diện với nguy cơ sinh tồn từ nạn săn bắn.

Kungfu Panda - Bộ phim hoạt hình ăn khách của Mỹ được dựa trên hình tượng gấu trúc cùng các nhân tố từ văn hóa Trung Quốc.

Kungfu Panda - Bộ phim hoạt hình ăn khách của Mỹ được dựa trên hình tượng gấu trúc cùng các nhân tố từ văn hóa Trung Quốc.

Ngoại giao gấu trúc

Đến thập niên 1980, do số lượng gấu trúc trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, Trung Quốc đã phải ngừng việc tặng loài vật này cho nước ngoài. Thay vào đó là phương án “cho thuê gấu trúc”, cho phép các vườn thú trả tiền để được mượn gấu trúc. Theo đó, Trung Quốc sẽ cho các quốc gia khác “thuê” gấu trúc trong thời gian 10 năm với mức phí 10 triệu USD, chủ yếu nhằm mục đích giao lưu về nghiên cứu khoa học.

Mặc dù hình ảnh gấu trúc Trung Quốc hiện đã nhận được sự yêu mến trên phạm vi toàn cầu, nhưng trên bình diện ngoại giao, nhiều nguyên thủ các quốc gia “thuê gấu” từ Trung Quốc không hẳn là fan hâm mộ của loài gấu này – iRead cho biết.

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) công bố năm 2013, mô hình “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc hiện nay đã bước vào một giai đoạn mới. Nguyên nhân của điều này là do vấn đề “cho thuê gấu trúc” có liên quan mật thiết cùng rất nhiều yếu tố như các hiệp định mậu dịch hoặc tình trạng ngoại giao trong quan hệ hai nước. Nghiên cứu này nhận định, "quốc bảo" gấu trúc đã trở thành phương tiện để Trung Quốc thể hiện ý nguyện thiết lập quan hệ với một quốc gia khác.

Theo iRead, ý nghĩa ban đầu của “quốc lễ gấu trúc” vốn chỉ là thể hiện thiện chí của Trung Quốc, tuy nhiên hiện tại đã được quốc tế xem như một “công cụ” để thăm dò tín hiệu cũng như thái độ của Bắc Kinh. Tất nhiên, bất chấp những mục đích chính trị mà người ta gán lên mình “đại sứ ngoại giao” hay “tham tán thương mại” này, loài gấu trúc có tên trong sách đỏ cũng chỉ cần quan tâm đến vấn đề ăn ngủ của chúng mà thôi – iRead kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại