Eurasia Group: EU sẽ quay lưng với Mỹ vì Nga và Trung Quốc

Đào Cảnh |

Trong năm 2016, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với EU sẽ trở nên lỏng lẻo hơn bao giờ hết kể từ khi hiện thực hóa “Kế hoạch Marshall” do EU tích cực tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Theo nhận định của Eurasia Group, những chuyển động địa chính trị toàn cầu, sự yếu kém về chiến lược của các nhà lãnh đạo châu Âu, sự cô lập trong chính sách của Mỹ là ba yếu tố có thể khiến mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa Mỹ với EU trở thành “liên minh trống rỗng”.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị Cliff Kupchan và Ian Bremmer của Eurasia Group, chương trình chính sách đối ngoại được coi là ưu tiên hàng đầu trong các cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ của các ứng cử viên.

Tuy nhiên, người ta lại không thấy được vị trí và “bóng dáng” của châu Âu trong chính sách đối ngoại của các ứng cử viên tham gia tranh cử.

Chính đặc điểm này khiến châu Âu đang ngày càng nghi ngờ vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, nghi ngờ tính chất mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương và nghi ngờ vào những giá trị chung mà Mỹ và châu Âu đã xây dựng nên.

“Những mâu thuẫn hiện nay ngày càng khó vượt qua: Nó phản ánh sự tin tưởng chưa đủ sâu của xã hội châu Âu vào ý tưởng một châu Âu thống nhất và vào những ưu điểm của toàn cầu hóa.

Sự thiếu tin tưởng này cũng đồng nghĩa với quá trình xói mòn các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”- nhà phân tích Judy Dempsey thuộc Trung tâm Carneghi châu Âu nhận định.

Theo bà Dempsey, ý tưởng mà xoay quanh đó EU đã được thành lập (nguyên tắc cởi mở biên giới giữa các nước thành viên EU) đã quay trở lại điểm chết.

Quan điểm về một châu Âu thống nhất cũng sẽ “hy sinh” nếu như lục địa già không thể giải quyết được các thách thức lớn nhất đối với họ là sự phá hủy trật tự phương Tây, một trật tự nảy sinh sau Chiến tranh Thế giới lần hai, trật tự đã góp phần củng cố các nguyên tắc hợp tác xuyên Đại Tây Dương mang tên “Kế hoạch Marshall”.

“Châu Âu đang bị phân rã, dễ bị tổn thương và yếu đuối trên đôi chân của mình. Các chính phủ châu Âu đang rẽ theo các hướng khác nhau.

Xu hướng ly tâm được thể hiện rõ nét ở 3 cường quốc hàng đầu châu Âu là Pháp, Đức và Anh khi các quốc gia này đang đi tìm kiếm các đồng minh về lợi ích riêng của mình”- báo cáo của Eurasia Group nhận định.

Hiện Pháp đang có xu hướng ngả về Nga. Chính phủ Pháp đánh giá chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất đối với toàn bộ châu lục.

Do đó, khác với người Anh, người Đức hay người Mỹ, Pháp ngày càng tham gia tích cực hơn vào chiến dịch quân sự chống lại IS ở Syria.

Tổng thống Pháp F.Hollande hiện coi Nga như là đối tác quan trọng nhất để đạt được mục đích chính của mình.

Trong khi đó, mục đích chính đối với châu Âu, theo quan điểm của Pháp, là ngăn chặn dòng người nhập cư từ Syria đến biên giới châu Âu.

Hơn nữa, sau các vụ khủng bố ở Paris, Tổng thống Pháp lại không đề nghị NATO thực hiện quyền phòng thủ tập thể vì nếu thực hiện bước đi này, quan hệ hợp tác với Moscow sẽ trở nên gần như không thể.

Về phần mình, Đức hiểu rằng chính sách “cửa mở” của Thủ tướng A.Merkel sẽ chỉ có hiệu quả nếu như Đức giảm được dòng người nhập cư xâm nhập vào châu Âu qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước mà cuộc sống của người dân đang bị phức tạp hóa bởi các hành động và các mục tiêu của NATO ở Syria.

Trong khi đó, Anh cũng đặt trọng tâm vào mối quan hệ với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề về kinh tế: Anh cần đến các khoản đầu tư nước ngoài để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Anh khó có thể tìm kiếm được nguồn tài chính khác do chính sách thắt chặt về kinh tế.

Liên minh London - Bắc Kinh sẽ mâu thuẫn với các nguyên tắc hợp tác xuyên Đại Tây Dương giữa EU với Mỹ.

Sự mâu thuẫn này được thể hiện thông qua sự kiện người Anh đã tham gia vào dự án Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp sự chỉ trích từ phía Mỹ.

Chính vì vậy, các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng những sự kiện trên sẽ được thể hiện rõ qua những mâu thuẫn giữa liên minh EU-Mỹ trong vấn đề giải quyết cuộc xung đột Ukraine, một vấn đề mà người châu Âu sẽ ít lạc quan hơn so với Mỹ khi áp dụng các lệnh cấm vận chống Nga.

Các chuyên gia cũng đánh giá rằng những lợi ích của Pháp, một quốc gia quan tâm đến các lợi ích riêng của mình, sẽ trùng hợp với tư tưởng của các nhà lãnh đạo châu Âu có tâm lý thân Nga như Viktor Orban (Thủ tướng Hungary) và Aleksis Tsipras (Thủ tướng Hy Lạp).

Trong khi đó, Washington chắc chắn sẽ không hành động theo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương của mình.

“Trong năm 2016, mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương sẽ không có vai trò quyết định trong việc định ra những ưu tiên đối với chính sách của châu Âu và Mỹ” - các chuyên gia Eurasia Group nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại