Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông đã nhiều lần liên lạc với các quan chức Nga và rằng những ngày sắp tới sẽ quyết định xem “liệu họ có thực sự nghiêm túc” về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn, cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận vùng chiến và nối lại đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan ở Syria.
Ông Kerry nói rằng, trong lúc “dân thường, bao gồm phụ nữ và trẻ em đang bị giết hại hàng loạt” và những nỗ lực cứu trợ nhân đạo vẫn dậm chân tại chỗ, cuộc không kích của Nga “vẫn chưa dừng lại”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu rằng chính phủ Nga không có lý do gì để ngừng các cuộc không kích, được cho là nhằm vào các phần tử khủng bố.
Mỹ và các nước đồng minh cáo buộc rằng Nga đang công kích vào các nhóm vũ trang đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Đặc phái viên Nga tại Liên Hợp Quốc là ông Vitaly Churkin gọi những cáo buộc Nga đang nhằm vào dân thường và lực lượng đối lập là “không đúng sự thật”.
“Đáng lẽ đó phải là những lời dành cho những kẻ đồng lõa với các thế lực khủng bố”, ông Churkin nói.
Ngoại trưởng Kerry nói thêm: “Phía Nga khẳng định với tôi rằng họ sẵn sàng phối hợp để hai bên có thể ngừng bắn. Iran cũng nói tương tự.
Giờ đây các bên cần phải ngồi vào bàn đàm phán để thể hiện rằng họ sẵn sàng thống nhất ngừng bắn. Nhưng cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra”.
Dự kiến ông Kerry sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Lavrov vào cuối tuần tới tại Munich (Đức), nơi 20 quốc gia, trong đó có Nga và Iran (hai nước đồng minh chính của chính quyền Assad), sẽ có cuộc họp nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập những bước đi đầu tiên để chuyển giao quyền lực ở Syria.
Phe đối lập cáo buộc Nga bịa đặt những chiến thắng dưới đất để nâng cao uy tín của ông Assad trên bàn đàm phán.
Họ kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, thực hiện “những bước đi cứng rắn” để có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Kerry cho biết, “một số hình thức nhằm hỗ trợ nhân đạo cho người dân” cùng với lệnh ngừng bắn đang được hội đàm với Nga. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận tiếp tục các hoạt động không kích”, ông nói thêm.
Một trong những phương thức hỗ trợ nhân đạo mà chính quyền Tổng thống Obama đang xem xét đó là không vận nhu yếu phẩm đến những khu vực nơi hàng trăm ngàn người dân đã bị cô lập trong nhiều tháng, không có đủ thức ăn và thuốc men cần thiết và đang có nguy cơ chết đói.
Vào tháng 8/2014, quân đội Mỹ đã thả thực phẩm và nước uống cho người dân tộc Yazidi, từ lâu là mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo (IS) và đang bị bao vây trên đỉnh núi Sinjar ở miền Tây Bắc Iraq.
Những chiến dịch thành công tương tự đã được thực hiện tại thị trấn Kobani ở Syria, năm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lực lượng người Kurd cũng phải chống cự trước IS.
Tuần này, cuộc không kích của Nga ở khu vực thành phố Aleppo đã khiến tuyến đường tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cắt đứt.
Những nỗ lực cứu nạn từ thiện của Liên Hợp Quốc tại những khu vực như Aleppo vẫn đang được tiến hành rất chậm chạp.
Vào ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Nga và Mỹ đã “đồng ý phối hợp nhằm cung cấp nhu yếu phẩm tới những khu vực ở Syria bằng đường không, sử dụng máy bay vận chuyển quân sự”.