Để chế ngự Nga, các nước Baltic nên học hỏi "tấm gương" Israel

Đức Huy |

Trong một bài phân tích đăng trên Bloomberg, tác giả Marc Champion nhận định, để đối phó với mối đe dọa từ Nga, các nước Baltic nên học cách tư duy và hành động như Israel.

Tuần trước, một bản báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn RAND do quân đội Mỹ tài trợ đã đưa ra những con số chứng minh rằng, trong trường hợp Nga tiến đánh Estonia, Latvia, và Lithuania, thì chỉ trong vòng 60 giờ đồng hồ, cả 3 nước Baltic sẽ thất thủ.

Đáng chú ý, theo RAND, NATO sẽ bất lực không thể làm gì cứu vãn tình hình, trừ phi tổ chức này sẵn sàng chấp nhận những rủi ro của việc phát động chiến tranh với Nga để giành lại lãnh thổ cho 3 nước Baltic.

Bản báo cáo của RAND chỉ ra những vấn đề cốt lõi trong hệ thống phòng tuyến của NATO tại Baltic. Thứ nhất là với vị trí địa lý thuận lợi, Nga có thể dễ dàng bao vây Baltic.

Thứ hai, các nước Baltic gần như không có hệ thống phòng không, xe tăng, hay thậm chí một lực lượng không quân đáng nhắc đến. Kể cả khi giáp lá cà trên bộ, trang bị của quân đội Baltic quá yếu kém nếu so với người láng giềng hùng mạnh phía đông.

Theo RAND, đến khi NATO có thể điều động được lực lượng tới chiến trường, thì "sự đã rồi".

Trở lại với vấn đề được đặt ra ở tiêu đề bài viết, tuy Israel và các nước Baltic về mặt bản chất có nhiều khác biệt hơn là tương đồng, song những điểm chung giữa họ là đủ để Estonia, Latvia, và Lithuania có thể rút ra những bài học xương máu từ người Do Thái.

Tương tự với Israel và mối đe dọa từ các cường quốc Hồi giáo, hiểm họa an ninh đối với các nước Baltic đến từ một thế lực hùng mạnh sát biên giới. Ngoài ra, lãnh thổ Baltic quá khiêm tốn để có thể kéo dài cuộc chiến. Thủ đô Talinn của Estonia chỉ cách Nga chưa đầy 200 km.

1/3 dân số Latvia nói tiếng Nga, và phần đông trong đó không có quốc tịch Latvia, bởi nước này yêu cầu người dân phải đỗ một kì thi tiếng Latvia mới có thể trở thành công dân chính thức.

Giống với bộ phận người gốc Palestine tại Israel, dân số các nước Baltic cũng bao gồm các nhóm thiểu số, những người mà trong bối cảnh giao tranh có thể "thay lòng đổi dạ" bất cứ lúc nào.


Dòng người ủng hộ Nga biểu tình tại thủ đô Riga, Latvia hồi tháng 5/2014. Ảnh: Getty

Dòng người ủng hộ Nga biểu tình tại thủ đô Riga, Latvia hồi tháng 5/2014. Ảnh: Getty

Giống nhau về bối cảnh là vậy, song cái cách mà Israel và các nước Baltic đối phó với mối hiểm họa của mỗi bên lại như "một trời một vực".

Estonia đã tăng cường chi tiêu quốc phòng kể từ sau chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008 để đáp ứng yêu cầu chi tiêu tối thiểu 2% GDP vào mục đích quân sự do NATO áp đặt cho các nước thành viên. Tuy nhiên, đây đã là mức trần đối với Estonia.

Còn với Latvia và Lithuania, dù chính phủ hai nước đang tích cực tăng cường đầu tư quân sự, nhưng vào lúc này chi tiêu quốc phòng của cả hai nước chỉ chiếm xấp xỉ 1% GDP.

Trong khi đó, Israel chi tới 6,5% GDP cho ngân sách quốc phòng. Quân đội Israel có tới 440 máy bay chiến đấu, cùng nhiều hệ thống phòng không tầm trung. Và đương nhiên, không thể kể đến kho vũ khí hạt nhân của người Do Thái.

Đương nhiên, việc các nước Baltic có thể đạt được đến tầm của Israel về mặt quân sự là điều gần như không thể, và cũng không ai ủng hộ thêm bất kì quốc gia nào phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng theo ông Champion, các nước Baltic phải biết "tự lực cánh sinh" nhiều hơn.

Estonia, Latvia, và Lithuania không thể đối đầu trực tiếp với Nga, nhưng vấn đề cần làm bây giờ đối với 3 nước này là cải thiện khả năng phòng ngự để có thể chống chọi đến lúc các binh đoàn NATO đóng tại Ba Lan và Đức sang cứu viện.


Các nước Baltic cần cải thiện lực lượng để có thể câu giờ chờ NATO cứu viện. Ảnh: kaitseliit.ee

Các nước Baltic cần cải thiện lực lượng để có thể "câu giờ" chờ NATO cứu viện. Ảnh: kaitseliit.ee

Ông Champion nhận định, Mỹ nên áp dụng một phần mô hình hỗ trợ an ninh mà nước này đang thực hiện tại Israel sang các nước Baltic. Giá trị các khoản viện trợ Washington dành cho Tel Aviv đạt 3 tỉ USD mỗi năm, và phần lớn trong số đó phục vụ mục đích quân sự.

Biết rằng các nước Baltic không thể so sánh được với Israel về độ thân tình với Mỹ, nhưng họ cũng không cần Mỹ giúp nhiều đến thế.

Và tình hình sẽ khác biệt thấy rõ nếu chính các nước Baltic được trang bị sẵn và tự mình điều khiển những hệ thống phòng ngự tối tân để ngăn cản Nga ngay từ bước đầu, thay vì cái gì cũng phải đợi đến tay NATO.

Lầu Năm Góc cũng đã tính đến điều này, thể hiện qua bản hợp đồng bán tên lửa chống tăng Javelin cho Estonia trị giá 55 triệu USD, với nhiều điều khoản hấp dẫn cho phía Talinn.

Người Baltic chắc chắn không thể tự mình ngăn cản Nga mà không có sự hỗ trợ của NATO. Nhưng với một vấn đề mang tính trọng yếu như quốc phòng, cứ ngồi không và phụ thuộc vào nước khác quả thật quá nguy hiểm.

Đó cũng là một bài học mà Israel luôn hiểu rất rõ, rằng rốt cục, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, một quốc gia không thể dựa vào ai khác ngoài chính bản thân mình.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại