Lịch làm việc hàng ngày ông Chu Ân Lai đều được sắp xếp rất dày đặc, thường là hết việc này đến việc khác, rất ít có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy, khi ngồi xe ông luôn yêu cầu cần phải nhanh bởi không muốn mất thời gian.
Trong tình hình trật tự giao thông Bắc Kinh không thực sự lý tưởng, mỗi lần xuất phát nhân viên cảnh vệ đều hết sức lo ngại xảy ra bất trắc. Tuy nhiên, hầu như Thủ tướng Chu không gặp sự cố khi di chuyển bằng ô tô.
Thế nhưng chuyện ngoài ý muốn là không thể tránh khỏi. Một trong những sự kiện đáng ngờ nhất xảy ra vào buổi chiều 15/6/1961, khi Chu Ân Lai đi từ Tây Hoa Đình trong Trung Nam Hải đến Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài tham dự một sự kiện ngoại giao quan trọng.
Vụ "tai nạn hụt"
Trong cuốn “Hồi ký Đội trưởng đội vệ sĩ của Thủ Tướng Chu Ân Lai” do NXB Văn hiến Trung ương (Trung Quốc) xuất bản năm 2009, tác giả Thành Nguyên Công, cựu vệ sĩ của ông Chu tiết lộ, hàng ngày ông có thói quen viết ra toàn bộ lịch trình công tác cho hôm sau.
Chiều 15/6, Thành Nguyên Công tới văn phòng Thủ tướng, thấy trên lịch ghi: “Chiều 14h30 đến Điếu Ngư Đài”.
Tại Điếu Ngư Đài, Chu Ân Lai sẽ gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đang ở thăm Trung Quốc từ 10-16/6/1961, sau đó hai ông sẽ tới Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh tham dự đại hội chào mừng ông Phạm Văn Đồng.
Thành Nguyên Công kể lại: "Để chuẩn bị tinh thần tốt cho công việc, tôi cùng cảnh vệ trực ban Trương Thụ Nghênh cùng nhau nghiên cứu và phân tích toàn bộ tình hình của hoạt động.
Sau đó, Thành điện thoại thông báo cho phòng trực ban của Cục cảnh vệ Trung Nam Hải. Họ đã được thông báo từ trước về đại hội.
Tiếp theo, tôi thông báo cho tài xế của Thủ Tướng là Dương Kim Minh phải lái xe đến Tây Hoa Đình lúc 14h. Trương Thụ Nghênh đang chuẩn bị những đồ đạc cần thiết."
Đúng giờ Dương Kim Minh lái xe đến sân trước Tây Hoa Đình. Hôm đó, Dương không dừng xe dưới tán cây để tránh nắng như mọi lần (khi đó trong xe không có điều hòa nhiệt độ), mà dừng xe gần cửa chính. Vì trời đang mưa nhỏ, làm vậy để khi Chu Ân Lai đi từ phòng làm việc đến đây không bị ướt.
"Dương Kim Minh có thói quen đi đến phòng trực ban, một là để biểu thị mình đã đến đúng giờ, hai là để xem còn việc gì cần trao đổi nữa hay không.
Tôi nói với ông ấy về quá trình liên quan đến hoạt động lần này, sau đó ông ấy đi lau xe. Đây cũng là thói quen từ lâu của ông ấy, mỗi khi trời mưa hoặc trên xe có bụi, ông ấy thường lau rất kỹ nhằm giữ cho xe luôn sạch sẽ," ông Thành viết.
Xe đưa Chu Ân Lai ngày 15/6 là một chiếc ZIS-115 chống đạn mua của Liên Xô từ thập niên 1950. Còn trong các hoạt động bình thường khác ông đều dùng chiếc ZIM cũng của Liên Xô.
Theo Thành Nguyên Công, do chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một sự kiện quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc, nên phải điều động chiếc ZIS.
Chiếc xe này được thiết kế để phù hợp với khí hậu lạnh giá của Moscow, vì vậy rất khó thích ứng với thời tiết mùa hè khô nóng tại Bắc Kinh và thường xảy ra hỏng hóc. Dù vậy, nó chưa hề có bất cứ vấn đề gì khi được giao cho ông Dương.
"Trước khi xuất phát, tôi tới văn phòng của Thủ Tướng Chu Ân Lai để xem còn phải chuẩn bị những gì, ví dụ nếu Thủ Tướng chưa cạo râu, lại chưa có thời gian để cạo, chúng tôi sẽ phải đem theo bình nước nóng, khăn mặt, dao cạo râu.
Hai là tôi muốn giục Thủ tướng xuất phát sớm một chút vì trời đang mưa, đường đi lại khó khăn mà hoạt động ngoại giao thì không thể chậm trễ.
Một lát sau, Thủ Tướng đi ra từ phòng làm việc. Ông bước đi nhanh chóng, vội vàng, tôi gấp rút đi nhanh để kịp ra mở cửa xe.
Sau khi lên xe, Thủ tướng có thói quen ngồi phía bên trái hàng ghế sau xe, vươn tay trái để đóng chốt dây an toàn, vì tốc độ xe rất nhanh.
Theo thường lệ, tôi ngồi bên phải ông, sau đó đóng cửa xe lại. Trương Thụ Nghênh ngồi bên cạnh tài xế Dương Kim Minh.
Tôi gật đầu với cảnh vệ, ý bảo anh ta thông báo cho phía Điếu Ngư Đài, giúp nhân viên ngoại giao ở đó nắm tình hình."
Một chiếc ZIS-115 trưng bày ở Triển lãm ô tô quốc tế Phúc Châu, Trung Quốc tháng 4/2012
Thủ tướng Chu thường không cho phép Bộ cảnh vệ điều xe mở đường.
Đi Điếu Ngư Đài ngày 15/6 cũng không đi theo hướng Đại lễ đường Nhân dân - phố Tây Trường An - Phúc Hưng Môn (lộ trình riêng được bố trí để bảo đảm hoạt động tiếp khách của nhà nước), mà đi tắt theo lộ trình từ phố Phủ Hữu - Tây Tứ - Phụ Thành Môn.
Tài xế Dương Kim Minh vừa phải chú ý tình hình đoạn đường phía trước, vừa phải để ý tránh cho bùn trên bánh xe không bắn bẩn lên xe đạp và người đi đường. Ông ấy vừa không ngừng điều chỉnh tay lái, vừa bấm còi liên tục.
Thành Nguyên Công và Trương Thụ Nghênh thay nhau chú ý phía trước và hai bên xe. Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bên đường, từ xa đã nhận ra xe của Thủ Tướng, đều phải đưa ra tín hiệu ưu tiên để bảo đảm cho việc lưu thông của xe.
"Chiếc ZIS-115 đã đi qua đoạn đường Tây Tứ có tình hình giao thông hỗn loạn, phía trước không xa chính là cổng thành Phụ Thành Môn cao chót vót.
Sau khi đi qua cổng thành Phụ Thành Môn, đường sẽ to rộng hơn, xe cộ và người qua lại cũng ít hơn, chúng tôi có thể hướng tầm mắt ra xa hơn, đây được xem là đoạn đường chạy xe an toàn nhất.
Tuy vậy chúng tôi vẫn luôn phải đề cao cảnh giác. Bởi chúng tôi hiểu rằng, ở những nơi an toàn, người ta thường dễ lơ là mất cảnh giác, nhất là khi vội vã, rất có thể sẽ xảy ra những phiền phức.
Hôm đó quả thực đã xảy ra một sự cố bất ngờ. Khi xe chở Thủ tướng Chu Ân Lai đi đến cửa Nam đường Triển Lãm, thì thấy phía trước xuất hiện một chiếc xe tải đi ra từ một cổng lớn.
Chiếc xe đó vốn rẽ sang phải đi về hướng Đông, nhưng không ngờ khi đi qua xe chở Thủ tướng, nó bỗng nhiên chạy ngược chiều, sau đó đột ngột quay ngang giữa đường. Chúng tôi thấy có gì đó bất ổn, liền hô: 'Xe tải! Nguy hiểm!'."
Dương Kim Minh đã sớm trông thấy chiếc xe tải đó. Ông ấy là tài xế nên nắm rõ giao thông từng đoạn đường, ông ấy biết phải đi qua đoạn đường, cơ quan, nhà máy nào, vì vậy ông ấy tất nhiên cũng biết rõ chiếc xe tải đó được lái ra từ trạm xe của Nhà máy xe điện số 1 thành phố Bắc Kinh.
Vì chiếc xe đó sau khi ra khỏi cổng liền rẽ phải, nên khi đi qua xe Chu Ân Lai cả hai xe đều không bấm còi. Mỗi xe đi một đường, không xe nào cản trở xe nào.
Khi nhìn thấy chiếc xe tải đó bỗng nhiên quay ngược chiều, lại vừa không nhấn đèn tín hiệu, vừa không bấm còi, cũng không ra hiệu bằng tay cho nên có khả năng nó sẽ chắn ngang giữa đường, tốc độ xe lại nhanh, có khả năng sẽ bị nó đâm phải mà dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Dương Kim Minh phải lập tức đưa ra phương án tốt nhất, nếu làm sai thì rất có thể chiếc xe chở ông Chu sẽ bị xe tải đó ép đâm vào cột điện, Dương Kim Minh nhanh chóng chuyển hướng ngược lại, sau đó liên tục điều chỉnh tay lái về phía trái.
Thành Nguyên Công viết trong hồi ký: "Ngay lúc này, thân chiếc xe tải bỗng nhiên di chuyển như sắp đâm phải xe chúng tôi, Dương Kim Minh thốt lên: 'Không ổn!'
Sau đó chân nhấn mạnh một cái, chiếc ZIS-115 lập tức quay đầu 180 độ, rung lên một tiếng rồi dừng lại hẳn!"
Mặc dù hai xe gần như đâm vào nhau, gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhưng người lái chiếc xe tải đó vẫn coi như không có việc gì xảy ra.
Anh ta không bật đèn thông báo, cũng không nhấn còi, quay xe một vòng lớn rồi lái xe quay lại cổng chính Nhà máy xe điện số 1, khiến nhóm vệ sĩ của Chu Ân Lai rất tức giận.
Nhưng việc quan trọng hơn là ông Chu phải đi đến Điếu Ngư Đài, nên Dương Kim Minh điều khiển tay lái để quay đầu xe, tiếp tục đi về phía Tây như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Lúc này trời vẫn mưa.
"Tôi làm việc cho Thủ tướng đã nhiều năm, trước giờ chưa hề gặp phải sự việc nguy hiểm đến như vậy. Thủ tướng cũng chỉ gặp phải một lần khi đang ở Liên Xô.
Lần đó, Thủ tướng cùng với đồng chí Trần Vân, Lý Phú Xuân công du Liên Xô, một hôm tại Moscow có việc phải ra ngoài, xe chở Thủ tướng Chu đi giữa đường lớn theo 'tuyến trung ương' chỉ dành riêng cho xe của các nhà lãnh đạo quan trọng của Liên Xô.
Bỗng nhiên từ phía bên phải xuất hiện một chiếc xe ô tô chạy ngang qua, xe chở Thủ tướng vừa đi qua nên không đâm phải, nhưng lại đâm vào xe chở đồng chí Trần Vân, Lý Phú Xuân, gây ra tai nạn nghiêm trọng. Không thể ngờ được, lần này ở Bắc Kinh lại gặp phải sự cố."
Chu Ân Lai cũng hết sức giận dữ sau vụ "tai nạn hụt" và chỉ thị Thành Nguyên Công: “Khi đến nơi, đồng chí phải thông báo tình hình cho Cục công an thành phố Bắc Kinh để họ điều tra rõ ràng.
Ai là người lái xe không tuân thủ luật lệ giao thông ấy? Là cố tình hay vô ý? Sau khi điều tra ra phải nghiêm khắc xử lý”.
Tiếp đó, Chu Ân Lai khen ngợi kỹ thuật lái xe tốt của Dương Kim Minh giúp tranh được vụ tai nạn. Các vệ sĩ cũng yêu cầu ông Dương lái xe chậm lại để bảo đảm an toàn. Dương Kim Minh chỉ nói nhỏ trong miệng câu gì đó, rồi lại tập trung vào việc lái xe.
Cựu Trưởng đội vệ sĩ của Chu Ân Lai, ông Thành Nguyên Công
Cái kết buồn cho người cầm lái xe tải
Khi đến Điếu Ngư Đài, Thành Nguyên Công lập tức gọi điện cho Cục công an và Cục cảnh vệ thành phố Bắc Kinh để báo cáo vụ việc chiếc xe tải lạ.
"Sau khi truyền đạt lại nguyên văn chỉ thị của Thủ tướng, tôi nói, tôi hiểu rõ ý của Thủ tướng không phải muốn điều tra xem chiếc xe đó có mưu đồ đâm vào xe của ngài hay không, mà muốn điều tra về hành vi vi phạm luật giao thông của tài xế đó.
Nhưng vì nhân viên cảnh vệ chúng tôi có bệnh nghề nghiệp, đó là mỗi khi gặp phải vấn đề gì, việc trước tiên chúng tôi nghĩ đến là đối tượng muốn nhằm vào Thủ tướng.
Các cấp lãnh đạo có liên quan của thành phố Bắc Kinh đều hết sức coi trọng sự việc này, Phó chủ tịch kiêm Cục trưởng Cục công an thành phố Bắc Kinh Phùng Cơ Bình chỉ đạo nhân viên có liên quan lập tức đến hiện trường."
Giám đốc Nhà máy số 1 của Công ty xe điện là Trương Duy Nhân, Bí thư chi bộ đảng Phùng Bân, sau khi nghe người gác cổng nói qua điện thoại thông báo việc xe tải trong nhà máy suýt đâm vào xe chở Thủ tướng, lãnh đạo Cục công an, Sở quản lý giao thông đều tập trung ở cổng chính.
Họ thấy được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, ngay lúc đó liền gọi điện thông báo cho giám đốc Công ty xe điện Hứa Bộ Ninh đến cổng chính để tìm hiểu tình hình vụ việc.
Sự việc nhanh chóng được làm rõ. Người điều khiển xe tải là thợ sửa chữa của Nhà máy xe điện số 1, tên là Trương Hưng Thần.
"Thời gian đó Trương tự học lái xe và thường lái vòng quanh khu vực nhà máy. Sau đó anh ta trở nên nghiện việc lái xe, không động tay động chân thì không chịu được.
Chiều hôm đó anh ta không có việc để làm, liền lấy cớ đi đổ xăng xe để mượn tổ trưởng chìa khóa, tổ trưởng cũng biết việc anh ta đi đổ xăng xe chỉ là cái cớ, thực chất là muốn lái xe nghịch chơi mà thôi, nhưng ngại từ chối nên đã trao chìa khóa cho Trương Hưng Thần.
Sau khi cầm chìa khóa, Trương Hưng Thần rất vui mừng. Anh ta trước đó chưa hề được lái xe ra ngoài đường, nên đã quyết định thử, vì vậy đã lái xe ra ngoài cổng nhà máy, vốn chỉ muốn quay một vòng lớn rồi trở về, phía trước có xe hay không anh ta không hề hay biết," Thành Nguyên Công viết.
Người phụ trách quản lý giao thông là Diêm Vinh Cửu sau khi tiến hành điều tra xét hỏi đã đưa ra nhận định: Trương Hưng Thần không có bằng lái xe, thuộc diện lái xe bất hợp pháp.
Ông ta nói: “Rất may tài xế (Dương Kim Minh) xử lý kịp thời, chính xác nên mới tránh được họa lớn. Nếu xe của Thủ tướng xảy ra tai nạn nghiêm trọng, đến tôi cũng phải ngồi tù. Chúng tôi đã không quản lý tốt giao thông Bắc Kinh!”.
Các quan chức ở Cục công an Bắc Kinh sau khi làm rõ vụ việc, đã nhanh chóng cùng với giám đốc Hứa Bộ Ninh đến Đại lễ đường Nhân dân để báo cáo tình hình và nghe chỉ thị từ Chu Ân Lai. Đón tiếp họ là người phụ trách Bộ công an và Thành Nguyên Công.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại sân bay Bắc Kinh ngày 12/6/1961. Ảnh: THX
Kết thúc đại hội chào mừng và tiễn Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên xe, Chu Ân Lai ngồi xe quay về Tây Hoa Đình Trung Nam Hải.
Tận dụng thời gian trên xe, Thành Nguyên Công báo cáo lại những thông tin từ Hứa Bội Ninh cùng nhận định của Cục công an cho ông Chu.
Trương Hưng Thần trong quá trình chờ đợi bị xử lý, sau khi biết được xe của Thủ tướng Chu xảy ra chuyện là do sai sót của mình và mang phiền phức đến cho nhà máy, đã cảm thấy vô cùng ân hận và sợ hãi. Khắp Nhà máy xe điện số 1 đều bàn luận về sự việc này.
Nghe báo cáo của Thành Nguyên Công, Chu Ân Lai nghiêm khắc nói: “Vô lý! Tại sao có thể tùy tiện lái xe ra ngoài chơi được? Thật là nguy hiểm!”. Theo ông Thành, “vô lý” là lời phê bình nặng nhất của ông Chu.
Sau đó, Chu Ân Lai chỉ thị Thành tìm hiểu vụ việc để báo cáo lại. Đây là một trường hợp ngoại lệ bởi ông Chu luôn yêu cầu thực hiện mọi vấn đề theo hệ thống, cơ quan. Ông Thành cho biết, trước đó Thủ tướng Chu cũng chưa hề trực tiếp xử lý sự vụ của các đơn vị.
Từ Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh trở về Trung Nam Hải, khi vào trong Tây Hoa Đình thì các vệ sĩ cùng Chu Ân Lai gặp bà Đặng Dĩnh Siêu, vợ ông Chu, cũng đang ở đó.
Thủ tướng Chu nói với bà Đặng: "Hôm nay suýt chút nữa tôi gặp phải tai nạn nghiêm trọng! May nhờ có kỹ thuật lái xe của ông Dương, xử lý kịp thời mới tránh khỏi tai nạn. Đây là lần thứ 3 tôi gặp nguy hiểm khi ngồi xe".
Theo lời ông Chu, lần đầu tiên ông gặp nguy hiểm trên xe là ngày 23/8/1925, cũng chính vào buổi tối thứ tư sau ngày chính trị gia thời Trung Hoa Dân Quốc Liêu Trọng Khải bị ám sát (20/8/1925).
Khi đó, Chu Ân Lai giữ chức ủy viên “Ủy ban kiểm tra vụ án ông Liêu”.
Khi ngồi xe trở lại Bộ tư lệnh, do khẩu lệnh thay đổi và nhóm ông Chu trả lời không đúng nên tài xế và vệ sĩ bị binh sĩ canh gác dùng súng liên thanh bắn chết.
Lần thứ hai vào tháng 5/1937, Chu Ân Lai ngồi xe đi từ Diên An đến Tây An, tại vùng núi Lao ở Thiểm Bắc gặp phải cướp mai phục. Đa số cảnh vệ và tài xế của ông đều thương vong.
Vài ngày sau, Thành Nguyên Công đến tìm Cục công an Bắc Kinh để tìm hiểu về tình hình và quá trình xử lý vụ "tai nạn hụt".
Cục công an cho biết đã cảnh cáo và trừ điểm thi đua đối với Trương Hưng Thần.
Theo Cục này, một số người trong nhà máy phản ánh rằng, Trương may mắn khi gặp được Chu Ân Lai, nếu không chắc chắn đã bị giáng chứ hoặc ngồi tù.
Trong hồi ký, Thành Nguyên Công kể: "Cách đây không lâu, trong khi chỉnh lý từ liệu để viết bài này, tôi đã tìm gặp một số người liên quan thuộc Nhà máy xe điện số 1 cũ.
Vốn tôi định tìm lại Trương Hưng Thần để hỏi rõ về sự việc ngày 15/6/1961, thì cựu giám đốc nhà máy Trương Duy Nhân đã tiết lộ một câu chuyện bất hạnh.
Trong 'Đại cách mạng văn hóa', kỷ luật và chế độ trong nhà máy đều bị phá vỡ, không ai quản lý.
Một hôm Trương Hưng Thần đi kiểm tra xe điện, đã vi phạm quy trình thao tác, không ngắt nguồn điện trước khi sửa chữa, không cẩn thận đã khởi động nguồn điện.
Xe điện bất ngờ khởi động rồi lăn qua người khiến anh ta thiệt mạng.
Tôi nghe xong không khỏi ngạc nhiên: Tại sao lần này lại là anh ta chứ? Lại một lần nữa vi phạm chế độ và kỷ luật...
Nếu Thủ tướng Chu vẫn còn sống, tôi không biết phải báo cáo như thế nào, cũng không biết ông sẽ nói gì..."