Dân Hà Lan muốn "từ mặt" chính phủ Ukraine

Anh Tuấn |

Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết, chính phủ nước này có thể sẽ thay đổi lập trường của mình đối với một hiệp ước gây dựng quan hệ hợp tác với Ukraine nếu trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới người dân bày tỏ sự phản đối.

Mặc dù đây là một cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc, nhưng phần lớn các đảng phái Hà Lan cho biết họ sẽ tôn trọng ý kiến của người bỏ phiếu.

Sự kiện này có thể đưa Liên minh Châu Âu (EU) rơi vào khủng hoảng khi căng thẳng với Nga leo thang cao nhất kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Theo luật trưng cầu dân ý của Hà Lan, chính phủ phải xem xét lại quyết định của mình nếu kết quả không như họ mong muốn”, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders phát biểu trước báo giới vào ngày 6/2.

“Tôi sẽ không có bất kỳ ý kiến nào về kết quả cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến, và mọi việc chỉ có thể quyết định sau khi có kết quả”.

Cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan về một hiệp ước dài 394 trang dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/4 sau khi trang web GeenStijl đã thu về hơn 400.000 chữ ký kêu gọi bỏ phiếu lấy ý kiến.

Vấn đề Ukraine là một trong những thách thức mà EU đang phải đối mặt, bên cạnh khủng hoảng di dân, kinh tế phát triển chậm chạp, nước Anh bỏ phiếu lấy ý kiến về việc tiếp tục làm thành viên EU và quan hệ không tốt với Nga.

Ông Koenders tin rằng hiệp ước sẽ giúp Ukraine có thể ổn định trở lại.

Gần cuộc họp báo của Ngoại trưởng Hà Lan, một đám đông gồm khoảng vài trăm người đã tụ tập lại để hưởng ứng phong trào phản đối người nhập cư Pegida, mang theo cờ Hà Lan, Đức cùng những biểu ngữ bài đạo Hồi.

“Tôi sẽ bỏ phiếu phản đối”, một người dân từ thị trấn Enschede, miền Đông Hà Lan cho biết. “Tôi phản đối những quyết định của EU. Họ đang hủy hoại những giá trị của đất nước chúng tôi”.

Nhiều người dân Hà Lan bày tỏ sự lo ngại đối với những ảnh hưởng của dòng người nhập cư và EU đối với tình hình kinh tế của đất nước sau nhiều năm phát triển chậm chạp, và họ coi đây là cơ hội hiếm có để bỏ phiếu phản đối sự hiện diện của EU.

Dù vậy, ở Hà Lan người dân vẫn không mấy thiện cảm với Nga khi nước này bị cáo buộc đã bắn rơi một phi cơ trên vùng trời Ukraine vào năm 2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, 2/3 trong số đó là người Hà Lan.

“Việc bỏ phiếu phản đối hiệp ước hợp tác với Ukraine cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ Kremlin và quân nổi dậy thân Nga ở miền Đông”, báo Volkskrant (Hà Lan) viết.

“Điều này cũng có nghĩa chúng ta đang bỏ phiếu có lợi cho những người có thể là thủ phạm bắn rơi MH-17”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại