Đàm phán hòa bình Syria: Chỉ là biện pháp “câu giờ”

Tuệ Minh |

“Tương lai của Syria sẽ được quyết định trên chiến trường chứ không phải ở Geneva”, đó là nhận xét của nhà phân tích địa chính trị Toni Cartalucci.

Theo chuyên gia ở Bangkok, Thái Lan này, “các cuộc đàm phán hòa bình” chỉ là một nỗ lực khác để làm trật hướng các cố gắng của Nga và chính phủ Syria trong việc tái thiết đất nước này.

Washington, NATO và các đồng minh vùng Vịnh vẫn hy vọng Tổng thống Bashar al-Assad từ chức và một thể chế thân phương Tay sẽ lập lại hòa bình ở Damascus.

Viết trong bài báo trên New Eastern Outlook, ông Cartalucci cho rằng: “Phương Tây và Mỹ nói riêng luôn đề cập đến tình hình ở Syria bằng một giọng hòa giải.

Ngoại trưởng John Kerry cũng cố gây ấn tượng khi nói rằng một sự thay đổi thể chế ở Syria sẽ không còn xa nữa. Tất nhiên, những tuyên bố như vậy càng cho thấy Mỹ hy vọng rằng Tổng thống Assad sẽ lùi bước”.

Trong khi đó, các đồng minh của Washington lại luôn tìm cách xen ngang vào những nỗ lực của Nga và chính phủ Syria.

Ví dụ điển hình như vụ việc ngày 24/11/2015 khi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ; hay Israel luôn cố tình lặp đi lặp lại các cuộc không kích ở xung quanh Damascus nhằm kích động Syria rơi vào một cuộc xung đột mới.

Tháng 12/2015, Ả Rập Saudi đã tổ chức “một hội nghị các nhóm đối lập Syria” mà thành phần tham dự gồm các tổ chức Hồi giáo khác nhau, bao gồm cả các chi nhánh của al-Qaeda.

Có rất nhiều mâu thuẫn xung quanh cuộc đàm phán hòa bình sắp diễn ra. Câu hỏi rằng lực lượng nào nên trở thành đại diện cho phe đối lập hiện vẫn chưa được trả lời rõ ràng.

Philip H. Gordon, cựu cố vấn về vấn đề Syria của Nhà Trắng và hiện là thành viên Hội đồng Đối ngoại của The New York Times, phân tích, phe đối lập và những kẻ “chống lưng” trong khu vực như Ả Rập Saudi, luôn khăng khăng rằng ông Bashar al-Assad cần phải từ chức như một phần trong cuộc chuyển giao chính trị.

“Họ cần một sự khẳng định rõ ràng từ ông Assad trước khi sẵn sàng giảm bớt xung đột hay đàm phán các bước tiếp theo”, ông nói.

Trước khi diễn ra các cuộc đàm phán ở Geneva, Washington và các đồng minh trong khu vực đã tăng cường các hoạt động quân sự ở Syria.

Cùng lúc đó, với sự hỗ trợ của Không quân Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được nhiều phiến quân Hồi giáo cực đoan ra khỏi các căn cứ trọng yếu trong nước.

Theo ông Cartalucci, các cuộc đàm phán ở Geneva chỉ là một biện pháp “câu giờ”.

Nga và Syria nên tiếp tục các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng các biện pháp ngoại giao cũng như gạt bỏ các rào cản ở Trung Đông.

“Đánh bại hoàn toàn các “tay chân” của phương Tây trên chiến trường, bảo vệ biên giới Syria, hình thành lực lượng quân sự để ngăn chặn sự can thiệp vũ trang của phương Tây… là những biện pháp hữu hiệu nhất để đạt được thỏa thuận hòa bình ở Syria”, nhà phân tích gợi ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại