Đàm phán hòa bình Syria: Bất đồng lớn về tương lai Tổng thống Assad

Mai Liên |

Tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn là chủ đề gây bất đồng lớn giữa các bên trong cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva.

Đại diện Chính phủ Syria đang phải chịu áp lực gia tăng khi các bên đề cập đến về vai trò của Tổng thống Assad trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia Trung đông đầy bất ổn này.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi chính trị của Syria khi mô tả đây “chìa khóa” để giải quyết mọi vấn đề của đất nước này.

Chính vì thế, ông Mistura hối thúc các bên liên quan đặc biệt là Mỹ và Nga phát huy hơn nữa vai trò trung gian và hậu thuẫn cho tiến trình hòa đàm này bằng cách khuyến khích các bên xung đột Syria ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

Theo ông Mistura, sau gần 7 ngày đàm phán, phe đối lập đã thể hiện được thiện chí khi đã đưa ra những ý tưởng cho quá trình chuyển tiếp.

Tuy nhiên, Chính phủ Syria lại bị chỉ trích vì không có những sáng kiến rõ ràng cho kế hoạch chuyển tiếp chính trị mà chỉ tập trung vào những nguyên tắc suông.

Và dường như đại diện chính quyền Damascus cố tình "lảng tránh" vấn đề về tương lai của ông Assad.

Có thể thấy, dù chưa có dấu hiệu của sự đổ vỡ song vòng đàm phán này vẫn đang bị bế tắc do liên quan đến tranh cãi về tương lai của Tổng thống Assad.

Đây từng là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại của những vòng đàm phán do Liên Hợp Quốc chủ trì năm 2012 và 2014.

Đến nay, phe đối lập Syria do phương Tây hậu thuẫn vẫn cương quyết yêu cầu ông Assad phải rời khỏi quyền lực và không có vị trí trong tiến trình chuyển giao dân chủ.

Tuy nhiên, chính phủ Syria, Nga, Iran lại cho rằng không có điều khoản nào như vậy trong các điều ước quốc tế của tiến trình hòa bình.

Theo các nhà phân tích, kể cả sau khi Nga bất ngờ tuyên bố chấm dứt chiến dịch không kích ở Syria nhưng Tổng thống Assad vẫn đang ở thế có lợi và an toàn hơn bao giờ hết trong các cuộc đàm phán hiện nay.

Cuộc nội chiến Syria sắp bước vào năm thứ 6 đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ở khu vực Trung Đông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại