Trung Quốc nói gì về "trạm mặt đất bí ẩn" ở Argentina?

Hải Võ |

Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, trạm nghiên cứu vũ trụ mặt đất mà Trung Quốc sắp hoàn thành tại Argentina trong năm 2016 bị phương Tây gay gắt cáo buộc "phục vụ ý đồ quân sự".

Theo Hoàn Cầu, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng trạm nghiên cứu vũ trụ là cơ sở hạ tầng không thể thiếu đối với hoạt động thám hiểm Mặt Trăng, sao Hỏa và tìm hiểu vũ trụ.

Bắc Kinh cũng cáo buộc phương Tây "có ý đồ thách thức" khi lên án Trung Quốc vào thời điểm ngay sau vụ tàu cá nước này bị tàu cảnh sát biển Argentina bắn chìm hôm 14/3.

Đây cũng là khoảng thời gian "nhạy cảm" bởi Tổng thống Argentina Mauricio Macri mới lên nắm quyền hơn 3 tháng.

Trạm nghiên cứu vũ trụ Trung Quốc bị tố phục vụ mục đích quân sự

Hãng Fox News (Mỹ) hôm 18/3 đưa tin, năm 2012 lãnh đạo Trung Quốc và Argentina đã ký kết thỏa thuận xây dựng "trạm nghiên cứu vũ trụ", dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Theo đó, mặc dù chính phủ hai nước tuyên bố "trạm mặt đất đặt ở khu vực Nam bán cầu được sử dụng để hỗ trợ các dự án nghiên cứu Mặt Trăng cùng những hoạt động vũ trụ khác", nhưng nhiều ý kiến lo ngại cơ sở này nhằm phục vụ mục đích quân sự hóa ở Đại Tây Dương.

Fox cho hay, Tổng thống Macri từng khẳng định ông sẽ công khai các "điều khoản bí mật" mà phương Tây cho là Trung Quốc-Argentina đã "lén" thêm vào thỏa thuận.

Bên cạnh những hoạt động chính mà Trung Quốc sẽ tiến hành sau khi trạm nghiên cứu hoàn thành, phía Argentina cũng được chia sẻ quyền sử dụng trong những dự án không gian của nước này.

Nhà phân tích chính trị, giám đốc công ty tư vấn New Majority Rosendo Fraga nói với BBC, khác với các trạm vũ trụ mặt đất của các nước khác đặt ở Nam Mỹ, trạm nghiên cứu của Trung Quốc do quân đội nước này kiểm soát.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc luôn khẳng định cơ sở trên hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự và "chắc chắn không có sự tham gia thao tác của các nhân viên quân đội".

Cũng theo Fox News, kế hoạch lắp đặt ăng ten "khổng lồ" tại trạm nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc cũng bị nghi ngờ là mang mục đích khác, bên cạnh "nghiên cứu Mặt Trăng", bao gồm việc theo dõi, can thiệp tín hiệu từ vệ tinh của nước khác.

Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa công khai thêm thông tin liên quan tới trạm nghiên cứu vụ trụ tại Argentina cũng như kế hoạch vận hành của nó.


Trung Quốc tuyên bố cần có trạm mặt đất với ăng ten đường kính lớn ở châu Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Trung Quốc tuyên bố cần có trạm mặt đất với ăng ten đường kính lớn ở châu Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Một phần quan trọng trong mạng lưới nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc

Hoàn Cầu cho hay, trước đây Trung Quốc có thể thông qua các tàu nghiên cứu không gian hoặc vệ tinh để giải quyết vấn đề quan trắc, nghiên cứu phía bên kia địa cầu, nhưng hoạt động tìm hiểu Mặt Trăng, sao Hỏa trong tương lai đặt ra yêu cầu cao hơn.

Ví dụ, hoạt động nghiên cứu sao Hỏa đòi hỏi ăng ten có kích thước lớn hơn nhiều so với các loại đang được sử dụng để phục vụ cho vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.

Trạm nghiên cứu Kashgar của Trung Quốc có ăng ten đường kính 35m, trong khi ăng ten Trạm Giai Mộc Tư của nước này có đường kính hơn 60m, gây khó khăn cho các tàu nghiên cứu phải vận chuyển các ăng ten này.

Đồng thời, Hoàn Cầu lý giải, thời gian các vật thể bay thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sao Hỏa và Mặt Trăng dài hơn nhiều so với thời gian các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ chở người hoàn thành công việc, do đó Bắc Kinh "cần có trạm mặt đất ở phía bên kia bán cầu".

Tờ này cho biết, trạm nghiên cứu không gian đặt ở Argentina là một phần của mạng lưới nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc.

Hai trạm khác ở Kashgar (Tân Cương) và Giai Mộc Tư (Hắc Long Giang) được giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định là "đã tận dụng hết chiều dài Đông-Tây trên lãnh thổ Trung Quốc".

Tuy vậy, các trạm này nhưng vẫn chưa thể giám sát 24/24 đối với vật thể vũ trụ để bảo đảm tính liên tục của tín hiệu thông tin và một trạm mặt đất ở châu Mỹ là "cơ sở mà Trung Quốc phải có".

Trước đó, trang Sputnik News (Nga) đưa tin, trạm theo dõi vệ tinh của Trung Quốc được xây dựng tại tỉnh Neuquén, miền Nam Argentina, chiếm diện tích 200 hecta.


Chưa có trạm mặt đất ở nước ngoài, Trung Quốc hiện sử dụng các tàu nghiên cứu không gian để chở ăng ten. (Ảnh: China.com)

Chưa có trạm mặt đất ở nước ngoài, Trung Quốc hiện sử dụng các tàu nghiên cứu không gian để chở ăng ten. (Ảnh: China.com)

Trung Quốc theo dõi các nước ở "phía bên kia"?

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc (giấu tên) bình luận trên tờ Hoàn Cầu, bác bỏ cáo buộc "trạm nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc có ý đồ quân sự" là hành động bóp méo sự thật của "một số bên".

Theo học giả này: "Thường xuyên có người mang chuyện hoạt động vũ trụ của Trung Quốc do quân đội phụ trách ra để gây hấn, từ đó gắc mác 'mục đích quân sự' cho bất kỳ dự án không gian nào của Bắc Kinh.

Một số ý kiến nói rằng ăng ten cỡ lớn của trạm mặt đất ở Argentina có thể giám sát tín hiệu vệ tinh của các quốc gia khác.

Trên thực tế, nếu Trung Quốc có ý định theo dõi vệ tinh nước khác thì hoàn toàn không cần xây trạm ở Nam Mỹ, mà đơn giản chỉ cần phóng một vệ tinh đặc biệt từ lãnh thổ của mình."

Chuyên gia này khẳng định đối với các "ông lớn" trong lĩnh vực vũ trụ như Mỹ, Nga, châu Âu, việc xây trạm mặt đất ở nước khác là bình thường và "không thấy truyền thông nói gì về mục đích quân sự".

"Trung Quốc sẽ không chỉ đặt trạm mặt đất tại Argentina, đồng thời dự án này cũng được hai nước tiết lộ từ lâu.

Truyền thông phương Tây lật lại vấn đề vào thời điểm này, rất có thể là cú hích nhằm buộc Tổng thống Argentina Macri tạo sức ép lên Trung Quốc về vấn đề này."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại