Trước đó, AFP dẫn lời Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 20/3 cho biết, ngày 19/3 các tàu tuần duyên của Indonesia phát hiện ra một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.
Các tàu của Indonesia đã truy đuổi và giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc lại.
Trong quá trình cẩu chiếc tàu cá này lên tàu của Indonesia, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.
Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi.
Bà Pudjiastuti khẳng định, các tàu của Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản tàu Indonesia cẩu chiếc tàu đánh cá trái phép lên tàu Indonesia để tránh việc chiếc tàu này bị phía Indonesia đánh chìm sau đó.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/3 tuyên bố: “Các tàu đánh cá của Trung Quốc đang tiến hành hoạt động thông thường trên ngư trường truyền thống của Trung Quốc [dù trên thực tế, vùng biển này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia-ND] thì bị tàu có vũ trang của Indonesia rượt đuổi.
Sau khi chiếc tàu cá này bị tàu Indonesia tấn công và quấy rối, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xuất hiện để hỗ trợ tàu này.
Phía Trung Quốc ngay lập tức yêu cầu phía Indonesia phải thả ngay những ngư dân Trung Quốc bị Indonesia bắt và đảm bảo an toàn cho họ”. Trung Quốc còn lớn tiếng đòi Indonesia “phải hành xử phù hợp” trong vụ này.
Trước đó, Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti cũng đã tuyên bố: “Chúng tôi rất muốn tránh làm vụ việc này trở nên nghiêm trọng hơn và đã chấp thuận nhượng bộ bằng cách chỉ bắt 8 ngư dân Trung Quốc trên chiếc thuyền đánh cá vi phạm.
Chúng tôi đã thả chiếc tàu cá này đi và chỉ giữ lại 8 người này để điều tra”.
Bà Pudjiastuti nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jarkata để làm rõ vụ này.
“Chúng tôi muốn hỏi ngài Đại sứ Trung Quốc rằng, nếu họ đã khẳng định đường 9 đoạn của họ [một trong những yêu sách chủ quyền cực kỳ phi lý của Trung Quốc bao trùm hầu khắp Biển Đông và không được nước nào công nhận-ND] không bao gồm quần đảo Natuna thì tại sao những hành động đánh bắt cá trái phép lại cứ tái diễn”, bà Pudjiastuti cho biết.
“Lẽ ra Chính phủ Trung Quốc không nên đứng sau những hành động đánh bắt cá vi phạm pháp luật như thế này”, bà Pudjiastuti nhấn mạnh./.