Ả Rập Saudi trong cuộc chiến dầu mỏ với Mỹ và Nga: Thay đổi hay là chết?

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF) |

Vị thế bá chủ của Ả Rập Saudi trên thị trường dầu thế giới sẽ dần sụt giảm và có thể sẽ kết thúc trong khoảng 50 năm sắp tới, theo như nhận định của chính nhân vật đại diện cho sức mạnh dầu mỏ của quốc gia này – Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi.

Dù vẫn đang là quốc gia đứng đầu tổ chức xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới là OPEC, cũng như đang là một trong những cường quốc có sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất hành tinh, mỗi một quyết định của Ả Rập Saudi có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Tuy nhiên, điều này cũng không thể thay đổi được thực tế rằng quốc gia này đang dần bước vào một khe cửa hẹp.

Vị thế bá chủ của Ả Rập Saudi trên thị trường dầu thế giới sẽ dần sụt giảm và có thể sẽ kết thúc trong khoảng 50 năm sắp tới, theo như nhận định của Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi.

Chia sẻ những quan điểm về tương lai ngành năng lượng toàn cầu tại Berlin, Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả Rập Saudi Ali al-Naimi cho rằng sự sụt giảm vị thế của dầu mỏ đối với tương lai năng lượng trên thế giới có thể sẽ diễn ra sau 50 năm nữa.

Và theo như vị bộ trưởng vẫn được coi là người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường dầu lửa toàn cầu, thì đó là khoảng thời gian mà các cường quốc năng lượng trên thế giới phải có sự chuẩn bị nếu như vẫn muốn giữ vị thế của mình.

Giải pháp mà Ả Rập Saudi đang hướng đến, theo ông Naimi, là tập trung vào năng lượng tái tạo: “Tôi không nghĩ có một quốc gia nào thích hợp hơn Ả Rập Saudi trong việc sản xuất năng lượng tái tạo”.

Theo vị bộ trưởng này, Ả Rập Saudi hội tụ tất cả các điều kiện tốt nhất để sản xuất năng lượng tái tạo mà chủ yếu ở đây là năng lượng mặt trời.

Đó là những sa mạc mênh mông đầy nắng và có nhiệt độ thuộc diện cao nhất thế giới, những điều kiện để sản xuất năng lượng mặt trời này ở Saudi được đánh giá là tốt hơn hẳn so với ở Mỹ, Trung Quốc hay Israel.

Trên thực tế, đã từ lâu thế giới đã biết rằng Ả Rập Saudi tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo, như một chiến lược về lâu dài khi mà năng lượng hóa thạch như dầu mỏ hay than đá dần bị đào thải.

Mục tiêu của Ả Rập Saudi trong việc sản xuất năng lượng tái tạo là đạt được công suất 54 GW từ các nhà máy điện mặt trời tới thời điểm năm 2040.

Ở thời điểm hiện tại quốc gia này cũng đang lên kế hoạch xuất khẩu hàng GW điện năng sạch như một bước đi tiên phong.

Theo cơ quan năng lượng quốc tế tại Paris, thì năng lượng sạch đang chiếm khoảng 14% tổng mức năng lượng tiêu thụ trên toàn cầu, và mức này có thể tăng lên 19% trong năm 2040.

Vì thế, có thể xem việc tập trung phát triển năng lượng sạch của Ả Rập Saudi như một kết quả của một tầm nhìn xa và kết quả đó đã đưa quốc gia này trở thành kẻ tiên phong trên thị trường năng lượng thế giới, kể cả khi kỷ nguyên của dầu mỏ đã lùi dần và có thể kết thúc.

Tuy nhiên, cái vẻ bề ngoài của một kẻ tiên phong trong ngành năng lượng sạch cũng không thể che khuất được một thực tế rằng, Ả Rập Saudi đang dần tiến tới một khe cửa hẹp.

Nếu quan sát Ả Rập Saudi ở thời điểm hiện tại, nước này vẫn đang giữ vị thế một bố già trên thị trường dầu lửa, với khả năng kiểm soát và chi phối OPEC – một tổ chức chiếm tới hơn 30% sản lượng dầu toàn cầu.

Với khả năng kiểm soát mức sản lượng này, Ả Rập Saudi hoàn toàn có thể can thiệp vào giá dầu thế giới theo ý muốn, điển hình gần nhất là thỏa thuận Doha mà nước này ký kết với Nga và một số các nước thành viên OPEC khác, nhằm tác động đến giá dầu bằng cách đóng băng sản lượng khai thác.

Có vẻ như dù đang gặp một số khó khăn thì vị thế ông trùm của Ả Rập Saudi vẫn không thay đổi.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Vương miện có thể vẫn trên đầu Ả Rập Saudi, nhưng quyền lực của quốc gia này trên thị trường dầu thế giới đang bị thu hẹp đi rất nhiều.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến nổ ra ở Mỹ đã tạo ra một bước ngoặt lớn đối với lịch sử dầu mỏ.

Nó khiến cho sản lượng khai thác dầu toàn cầu tăng lên nhanh chóng, qua đó làm suy giảm quyền lực của OPEC nói chung và Ả Rập Saudi nói riêng.

Nếu như trước đây thị trường dầu thế giới chỉ có hai cực là Nga và Ả Rập Saudi – hai quốc gia có sản lượng khai thác lớn nhất thế giới, thì giờ đây nó có thêm cực thứ ba là Mỹ.

Cuộc chiến giá dầu diễn ra hơn 1 năm qua từ thời điểm cuối năm 2014 giữa OPEC, Nga và Mỹ đang đem lại những hậu quả lớn mà lần đầu tiên Saudi đang phải gánh chịu.

Đó là những khoản thâm hụt ngân sách lên tới hàng tỉ USD, buộc hoàng gia và người dân nước này phải lâm vào cảnh thắt lưng buộc bụng.

Việc Ả Rập Saudi tiến hành thỏa thuận Doha với Nga về việc đóng băng sản lượng mà không có sự tham gia của Mỹ, có thể xem là một sự thừa nhận thất bại của quốc gia này trong cuộc chiến giá dầu dai dẳng hơn 1 năm qua.

Và khi mà vị thế ông hoàng của Ả Rập Saudi trên thị trường dầu lửa kết thúc, người ta sẽ phải tự hỏi quốc gia này sẽ đi về đâu trong tương lai.

Khác với các quốc gia Ả Rập cũng như các thành viên khác trong OPEC, Ả Rập Saudi không có một nền kinh tế đa dạng, quốc gia này cũng không có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Phần lớn diện tích đất nước là sa mạc, lại nằm sâu trong vùng bồn địa của bán đảo Ả Rập vốn không thuận lợi về giao thương, Ả Rập Saudi hoàn toàn không thể mơ tưởng trở thành một trung tâm tài chính du lịch như UAE với Dubai.

Nguồn sống chủ yếu và duy nhất của Ả Rập Saudi trong suốt cả thế kỷ qua là dầu mỏ, và chỉ có dầu mỏ mà thôi.

Và khi mà vị thế của Ả Rập Saudi giảm sút sau cuộc cách mạng dầu đá phiến thì quốc gia này đang phải đối mặt với một nguy cơ lớn.

Nguy cơ này lớn đến nỗi, kể cả việc đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo cũng không thể cứu nổi nước này.

Có một thực tế rằng năng lượng tái tạo không giống như dầu vốn chỉ có ở một số địa điểm nhất định, mà quốc gia nào cũng có thể phát triển được.

Ả Rập Saudi có thể liên kết các quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới để tạo thành OPEC, một tổ chức đủ để chi phối giá dầu trên toàn cầu, nhưng chắc chắn là nước này không thể làm được điều tương tự trên thị trường năng lượng tái tạo thế giới trong tương lai.

Vì thế, nếu như không có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, thì một tương lai mờ mịt đang chờ đón Ả Rập Saudi là điều có thể dự đoán được.

Khi vị thế của dầu mỏ dần sụt giảm trong 50 năm sắp tới, và với một nền kinh tế thiếu đa dạng mà cũng không phát triển, trong khi việc đi tiên phong trong ngành năng lượng tái tạo cũng không đủ để cải thiện tình hình, thì điều gì có thể giúp Ả Rập Saudi tránh đi vào con đường của sự tụt hậu trong tương lai?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại