Con đường đến chiến tranh
Năm 2002, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1441 yêu cầu Iraq phải hợp tác toàn diện với các thanh sát viên LHQ để làm rõ liệu Baghdad có sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Sau đó, trong khi Iraq liên tục bác bỏ thì Mỹ cùng đồng minh không ngừng đưa ra “bằng chứng” để khẳng định Baghdad sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Suốt nhiều tháng, hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Đến giữa tháng 3.2003, Mỹ đề nghị lực lượng thanh sát viên LHQ lập tức rời khỏi Iraq. Mặt khác, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George Bush ra tối hậu thư yêu cầu người đồng nhiệm Iraq Saddam Hussein cùng các con trai trong vòng 48 giờ phải rời khỏi tổ quốc để sống lưu vong. Kết quả sau cùng thì ai cũng đã biết, Washington và đồng minh bắt đầu “động binh”, lật đổ thành công chế độ Saddam Hussein.
Sau 10 năm, gần đây Mỹ liên tục yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải thoái vị. Mới đây nhất, sau nhiều lần úp mở, Washington cũng cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học, vốn thuộc nhóm vũ khí giết người hàng loạt, nên đã “vượt lằn ranh đỏ”. Dựa vào đó, Washington dự định vũ trang cho phe nổi dậy chống Damascus, thiết lập vùng cấm bay. Tất cả dường như sẵn sàng cho kế hoạch can thiệp quân sự của Lầu Năm Góc.
Thùng thuốc súng nguy hiểm
Theo tờ Daily Mail, nếu Mỹ thực sự can thiệp quân sự vào Syria thì khu vực Trung Đông, vốn luôn được xem như thùng thuốc súng sẵn sàng gây nổ, có thể dẫn đến bùng phát xung đột trên diện rộng. Thậm chí, mọi chuyện có thể xấu đến mức lan ra thành thế chiến. Đó là vì hầu hết các nước lân cận Syria đều có “dây mơ rễ má” với thực trạng tại Damascus.
Lâu nay, Iran vẫn nhiều lần khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng Syria. Thực tế thì Tehran có ảnh hưởng không nhỏ trong vùng và được xem như một cường quốc khu vực, sở hữu nhiều loại vũ khí mạnh mẽ.
Theo tờ The Guardian, cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus từng bị thiếu tướng Qassem Suleimani, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds khét tiếng của Iran, “dằn mặt”. Năm 2008, thời điểm tướng Petraeus giữ chức Tổng tư lệnh Lực lượng đa quốc gia tại Iraq, ông nhận từ giới lãnh đạo cấp cao của nước này một tin nhắn được cho là do ông Suleimani gửi, có nội dung như sau: “Tướng Petraeus, ông nên biết rằng tôi, Qassem Suleimani, là người điều khiển chính sách của Iran đối với Iraq, Li Băng, Dải Gaza và Afghanistan”.
Theo giới chuyên gia, thông điệp trên của Qassem Suleimani là không hề quá lời vì thông qua cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni, Tehran đủ sức tác động lên nội tình nhiều nước lân cận. Vì thế, nếu Tehran cũng nhảy vào cuộc khi Washington tấn công Damascus thì nguy cơ xung đột sắc tộc có thể lan rộng. Cụ thể là những bất đồng của người Sunni và người Shiite.
Mặt khác, giả định này cũng sẽ là cơ hội để các lực lượng như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Li Băng... đồng loạt khai hỏa tấn công Israel để kéo Tel Aviv vào cuộc, tham gia chiến tranh trên diện rộng. Như thế, xung đột sẽ lại lan ra vùng bờ Tây, Dải Gaza. Tất nhiên, khu phi quân sự ở cao nguyên Golan khó có thể yên ổn và những trận đánh khốc liệt hồi thập niên 1960, 1970 sẽ tái diễn.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ tấn công Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Jordan khó đứng ngoài cuộc. Nhất là khi cộng đồng người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hiện diện tại Syria. Nội tình Syria lại rất phức tạp với 10% dân số theo Thiên Chúa giáo luôn lo ngại một chính phủ Hồi giáo có thể hình thành sau khi chế độ al-Assad sụp đổ. Vì thế, xung đột tôn giáo, sắc tộc nhiều khả năng trở nên hỗn tạp với vô số phe phái, đủ mọi lý do. Xấu hơn nữa, Iran tiến hành phong tỏa eo biển Hormuz để kìm chân phương Tây thì kinh tế thế giới sẽ khốn đốn vì đây là tuyến đường huyết mạch cung cấp dầu khí cho toàn cầu. Những hệ lụy khi đó trở nên khôn lường.
Tất cả, như nhận xét của truyền thông và giới chuyên gia quốc tế, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình thế giới.