“Philippines là một quốc gia độc lập và chúng ta cần phải chấm dứt ngay ảo tưởng về sự giúp đỡ của Mỹ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở biển Tây Philippines (Biển Đông)”, Ateneo Benito Lim - giáo sư về chính phủ, chính sách đối ngoại và kinh tế chính trị tại Đại học Khoa học Xã hội (Đại học Ateneo de Manila) nói.
Trong suốt 13 tháng qua, kể từ khi những cuộc đụng độ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền bãi cạn Scarborough bùng phát, tàu của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trên Biển Đông, đến nay Philippines đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát đối với bãi cạn này và có nguy cơ mất thêm quyền kiểm soát đối với Bãi Cỏ Mây…
Dẫu vậy, đến nay vẫn có không ít các quan chức Philippines tiếp tục viện dẫn Hiệp ước Quốc phòng tương hỗ mà nước này đã ký với Hoa Kỳ để mong đợi vào sự can thiệp của Mỹ. Nhưng như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết năm ngoái: Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài mọi tranh chấp trên Biển Đông.
"Một phần của thực tế là chúng ta sẽ không có cái ‘độc lập’ khi mà chúng ta vẫn tin... Mỹ sẽ đến để cứu Philippines trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Nhưng họ (Mỹ) đã nói ‘Chúng tôi đang trung lập", giáo sư Ateneo Benito Lim bình luận đồng thời lên tiếng chỉ trích rằng trong tâm tưởng của nhiều người Philippines họ vẫn nghĩ rằng “Philippines là một quốc gia yếu và cần sự giúp đỡ của các quốc gia khác để được độc lập”.
“Nhưng chúng ta đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng Washington sẽ dễ dàng bỏ qua các thương vụ làm ăn trị giá nhiều tỷ USD với Bắc Kinh để giúp một quốc gia châu Á nhỏ bé tuyên bố quyền sở hữu đối với một hòn đảo ở Biển Tây Philippines”, Lim nói.
“Hơn tất cả, Washington chỉ có thể bảo vệ lợi ích quốc gia riêng của mình và Manila không nên trách cứ “đồng minh” của mình nữa”, ông Lim nói thêm.
Để khẳng định sự độc lập của minh, Philippines nên “cai sữa” và thoát khỏi tình trạng “phụ thuộc quá mức” vào Hoa Kỳ như hiện nay đồng thời tìm kiếm thêm "những cách sáng tạo" để giải quyết vấn đề Biển Đông, giáo sư Lim kết luận.
Ông Lim, một nhà tư vấn kinh tế chính trị cho Đại sứ quán Philippines tại Trung Quốc trong những năm 1970, đề xuất rằng Manila nên đàm phán với Bắc Kinh để thiết lập một khu vực “cùng khai thác”.
Nhưng điều này thực tế là sẽ rất khó bởi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và khi mà sức mạnh quân sự và kinh tế của nước này đang phát triển, họ sẽ khẳng định tuyên bố của mình mạnh mẽ hơn.
Jose Almonte, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Ramos, cho biết quyết định của Tổng thống Aquino đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án tại Liên Hiệp Quốc là một "chiến lược tốt" để cho cả thế giới biết những gì Bắc Kinh đã và đang làm tại khu vực này.
"Nhưng tất cả những gì ông đã làm là không đủ. Bởi vì nó sẽ không thể ngăn chặn Trung Quốc làm những gì họ dự định. Không ai muốn đi đến chiến tranh với Trung Quốc và càng không phải là Mỹ. Không ai có thể ngăn cản Trung Quốc đưa ra tuyên bố của mình, ngoại trừ chính họ hoặc dư luận thế giới", ông Almonte cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Ông cho rằng, người Philippines cần phải tự cải thiện khả năng của mình "để bảo vệ danh dự và nhân phẩm của đất nước" nhưng ông không đề cập đến hiện đại hóa quân đội. "Philippines sẽ là một mối đe dọa lớn hơn so với Trung Quốc, chúng ta phải thức dậy và phát triển bản thân", ông nói.