Nếu thảm họa máy bay của hãng hàng không Malaysia Arlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine được thực hiện có chủ định từ lãnh thổ Nga hay bởi các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine, thì Moscow và phương Tây sẽ tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu tương tự như cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu vào tháng 8/1914.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo về “những hậu quả tồi tệ”, nếu người ta chứng minh được rằng máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Arlines là do các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine bắn hạ. Đây sẽ không còn là vấn đề riêng của một đảng tại Mỹ. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ bị thúc ép lên án Nga và thực hiện nhiều bước quyết liệt hơn nữa để khống chế Moscow.
Một câu hỏi đặt ra cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang chơi với lửa tại Ukraine, là liệu ông sẽ kết luận rằng giá của việc hành động không kiên định cao hơn so với rút lui. Cuộc xung đột càng kéo dài, Putin có thể cảm thấy càng bị ép buộc cho thấy những lợi ích thực sự. Mặt khác ông sẽ giống như một con bạc dốc hết túi.
Một khả năng có thể xảy ra là các tay súng ly khai thân Nga đã bắn hạ máy bay MH17 nhằm làm tăng đối đầu với phương Tây, buộc ông Putin ủng hộ họ mạnh mẽ hơn. Một khả năng khác là vụ bắn rơi máy bay đơn giản chỉ là do nhầm lẫn. Nhưng chiến tranh có thể bắt đầu từ những toan tính sai lầm như vậy.
Obama đang chịu sức ép lớn từ dư luận trong chính sách đối ngoại
Cả Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều không mong muốn một cuộc đối đầu quân sự. Nhưng nếu sự liên quan của Nga tới vụ bắn hạ máy bay được chứng minh, thì Mỹ sẽ đứng trước việc bắt buộc phải phát động một cuộc chiến, tương tự như sự kiện tàu Lusitania của Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh đắm vào năm 1915, khiến Washington can dự vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Những sự kiện đang diễn ra tại Ukraine rõ ràng đang ủng hộ phe diều hâu ở Washington, những người muốn đối đầu với Putin và nhóm ủng hộ ông. Những phát biểu của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đang cho thấy điều này.
“Nếu thảm họa máy bay được chứng minh liên quan tới Nga và các phần tử ly khai, nó sẽ mở ra các cánh cửa cho chúng ta hỗ trợ, cung cấp cho Ukraine một số vũ khí phòng vệ và các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng. Đó là một sự khởi đầu”, ông McCain tuyên bố.
Điều này sẽ không dẫn một cuộc Chiến tranh lạnh như những năm 1970 hay 1980. Nó có thể giống hơn với thời kỳ tiền Chiến tranh lạnh vào cuối những năm 1940 hay còn nguy hiểm hơn, là thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi các cường quốc chạy đua gây ảnh hưởng tại vùng Balkan.
Lịch sử không bao giờ giống nhau hoàn toàn. Nhưng những gì đang diễn ra có nhiều điểm tương đồng với các thời kỳ tiền chiến tranh trước đây đến mức chúng ta nên hy vọng rằng Obama đủ sức ngăn cản nước Mỹ và các đồng minh tránh khỏi một cuộc chiến đang có nguy cơ xảy ra tại Ukraine. Một cuộc ngừng bắn thực sự cần được thiết lập và tương lai của Ukraine cần được đàm phán bởi Đức, Nga và Mỹ. Ukraine có thể là bài kiểm tra lớn nhất đối với Obama trong việc bảo vệ chính sách đối ngoại của mình.