Chà đạp lịch sử, Kem Sokha vu cáo VN dàn dựng tội ác Khmer Đỏ

My Lan |

(Soha.vn) - Người Campuchia không thể ngồi yên khi Kem Sokha trắng trợn tuyên bố rằng nhà tù Tuol Sleng nổi tiếng tàn bạo của Khmer Đỏ là giả mạo, do Việt Nam dựng lên.

LTS: Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vu cáo và kêu gọi chống Việt Nam là chiêu bài quen thuộc của Sam Rainsy, chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP để tìm kiếm phiếu bầu trong các cuộc tranh cử. Dai dẳng trong nhiều năm qua, Sam Rainsy và Kem Sokha, một nhân vật khét tiếng khác trong phe đối lập ở Campuchia đã tận dụng mọi cơ hội để reo rắc vào đầu một số người dân Campuchia thiếu thông tin những hình ảnh hoàn toàn sai lệch về Việt Nam.

Gần đây nhất, trong bài phát biểu kêu gọi biểu tình ở tỉnh Seam Reap, Sam Rainsy đã trắng trợn vu cáo "Các đảo (tranh chấp trên biển Đông) thuộc về Trung Quốc, nhưng người Việt Nam đang cố gắng chiếm các đảo đó từ Trung Quốc, vì người Việt Nam rất xấu", và "Việt Nam lấy đất của người Campuchia".

Sam Rainsy, Kem Sokha là ai? Họ đã dùng những chiêu bài "bẩn thỉu" nào để chĩa mũi nhọn về phía Việt Nam hòng tiến thân trên con đường chính trị? Loạt bài của chúng tôi sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về những vấn đề nói trên.

Phần 1: Lãnh đạo đối lập Campuchia có mối liên hệ đặc biệt với Trung Quốc

Phần 2: Sam Rainsy và "lời hứa" bất nhân: Đòi Phú Quốc, đuổi Việt kiều

Phần 3: Sam Rainsy và thủ đoạn hạ lưu: Ủng hộ TQ chống lại VN ở Biển Đông

Phần 4: Kem Sokha và sự vu cáo trắng trợn "VN chiếm đất của Campuchia"

Vu cáo Việt Nam dàn dựng tội ác Khmer Đỏ

Không chỉ dừng lại ở việc vu cáo Việt Nam chiếm đất của Campuchia, Kem Sokha, Phó chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia CNRP còn sẵn sàng chà đạp lên nỗi đau của hàng triệu người Campuchia đã trải qua "đêm trường Trung cổ" dưới thời Khmer Đỏ, chà đạp lên xương máu của những người lính tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong khi giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Trước đám đông người ủng hộ tại tỉnh Prey Veng and Takeo hồi tháng 5/2013, Kem Sokha đã trắng trợn tuyên bố rằng nhà tù khét tiếng Tuol Sleng (nhà tù an ninh S-21) dưới thời Khmer Đỏ không có thật. Ông ta cho rằng, tất cả những hình ảnh về nhà tù cũng như chuyện giam giữ, tra tấn hàng người tại nơi này đều do Việt Nam dàn dựng lên.

“Nếu nơi này (nhà tù Tuol Sleng) thật sự là của Khmer Đỏ , họ sẽ phá hủy nó trước khi tháo chạy, không để lại cho ai thấy… Nếu Khmer Đỏ giết nhiều người, họ không ngớ ngẩn đến mức giữ lại để mọi người thấy… Tôi tin đây là một vụ dàn dựng”.

Sau khi được phát trên các phương tiện truyền thông, những phát biểu sai trái này của Kem Sokha đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội.

Trước sức ép của dư luận trong nước, Sokha tuyên bố rằng ông ta không có ý này, đồng thời cáo buộc chính phủ đã biên tập lại những phát biểu của ông ta để đưa nó ra khỏi ngữ cảnh.

Dù vậy, trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Mỹ, Kem Sokha lại lấp lửng thừa nhận rằng mình có nói vậy. Ông ta biện minh rằng: “Đó là những gì tôi biết được từ lịch sử... Việt Nam đã hỗ trợ Khmer Đỏ trong quá khứ và Khmer Đỏ đã dựng nên nhà tù Toul Sleng. Đó là quan điểm của đảng tôi… Đó chỉ là ý kiến của tôi, không phải là cáo buộc gì cả. Nhưng tôi muốn nói xin lỗi vì ý kiến của tôi khác với của mọi người".

 	Người dân Campuchia biểu tình trong hòa bỉnh để phản đối Kem Sokha và yêu cầu ông ta phải xin lỗi về việc xuyên tạc lịch sử.

Người dân Campuchia biểu tình trong hòa bỉnh để phản đối Kem Sokha và yêu cầu ông ta phải xin lỗi về việc xuyên tạc lịch sử.

Chum Mey, Chủ tịch Hội các nạn nhân Khmer Đỏ, một trong số ít nạn nhân của nhà tù này còn sống sót, khẳng định rằng, cũng như nhiều người dân Campuchia khác, chính ông đã nghe được những lời phát biểu trắng trợn này của Kem Sokha trên đài phát thanh hôm 18/5.

Ông Mey đã giận dữ tới mức đệ đơn kiện Kem Sokha lên toà án: “Phát biểu của Kem Sokha đã xúc phạm những người bỏ mạng tại nhà tù và ở những nơi khác trên cả nước dưới thời chế độ Khmer Đỏ… Tôi sẽ không cho phép ai bóp méo lịch sử khi tôi còn sống”.

Trong khi đó, khoảng 20.000 người Campuchia từ 9 quận của thủ đô Phnom Penh cùng với các tỉnh lân cận thủ đô… cũng đã tụ tập tại Công viên tự do và tuần hành đến trụ sở đảng CNRP, phản đối phát biểu sai trái của Sokha.

Cuộc biểu tình trong hoà bình này không những đã được sự cho phép của chính phủ, mà còn được sự tham gia của nhiều chức sắc nước này. Ông Chiêm Diêm và ông Chiêng Bun, đại biểu Quốc hội Campuchia, khẳng định rằng bản thân là nạn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, lại có nhiều người thân bị giết hại trong thời kì này nên họ cần phải chống lại việc vu cáo Việt Nam, xuyên tạc lịch sử của Sokha. Hành động này được 2 ông tuyên bố rằng hoàn toàn không liên quan gì tới chính trị.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng công khai chỉ trích Kem Sokha “đã huỷ hoại cả toàn đảng. Nếu tôi là ông ta, tôi sẽ từ chức”.

Sự thật rùng mình về địa ngục trần gian của Khmer Đỏ

 	Hình ảnh về những người đã thiệt mạng tại nhà tù Tuol Sleng được trưng bày tại chính địa điểm này để tố cáo tội ác của Khmer Đỏ (nhà tù Tuol Sleng nay đã trở thành Bảo tàng Diệt chủng)

Hình ảnh về những người đã thiệt mạng tại nhà tù Tuol Sleng được trưng bày tại chính địa điểm này để tố cáo tội ác của Khmer Đỏ (nhà tù Tuol Sleng nay đã trở thành Bảo tàng Diệt chủng)

Khi đưa ra những cáo buộc dối trá kể trên, Kem Sokha đã bất chấp một sự thật được ghi rõ trong hồ sơ của Tòa án đặc biệt xét xử Khmer Đỏ là tháng 1/1979, Kang Kek Ieu, chỉ huy nhà tù Tuol Sleng đã dành cả đêm trước khi chạy trốn để tiêu hủy các tài liệu của nhà tù, nhưng không kịp hủy hết do số lượng giấy tờ quá nhiều. Kang Kek Ieu cũng tự tay giết chết tất cả những tù nhân mà hắn ta tìm thấy.

Kang Kek Ieu là lãnh đạo cấp cao cuối cùng của Khmer Đỏ chạy khỏi Phnom Penh vào buổi trưa ngày 7/1/1979, sau khi thành phố đã được giải phóng. Việc Khmer Đỏ không phá hủy Tuol Sleng là do chúng không đủ thời gian để làm điều đó trước tốc độ tiến công thần tốc của quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng bạn.

Có rất nhiều bằng chứng về tội ác của Khmer Đỏ tại Tuol Sleng. Theo nhiều nguồn thống kê, đã có khoảng 14.000 - 17.000 tù nhân bị giam giữ tại đây (có tài liệu cho rằng số tù nhân có thể lên đến 20.000). Nhưng khi Phnom Penh được giải phóng, người ta chỉ tìm thấy vẻn vẹn 7 người sống sót (một con số khác do Trung tâm dữ liệu Campuchia công bố năm 2011 cho rằng, con số này có thể là 202 người. Song dù vậy, đây vẫn là con số quá nhỏ so với số người đã từng bị giam tại địa ngục trần gian này).

Theo lời nhân chứng và các tài liệu còn lại, cai tù ở Tuol Sleng đã rất thích thú với những trò tra tấn man rợ như rút móng tay, móng chân, đổ axít vào mặt, cắt xẻo nhiều chỗ trên cơ thể tù nhân rồi đổ rượu vào, dùng búa, rìu, roi đánh đập, bắt tù nhân ăn phân và nước tiểu của nhau.

Bị giam trong các dãy buồng dài hun hút, kín mít, san sát nhau, bị cùm bằng những sợi xích to chôn chặt vào tường hoặc nền nhà, chỉ được ngủ vài tiếng mỗi đêm dưới sàn lạnh lẽo, phải xin phép mỗi khi đổi tư thế ngủ, chỉ được phát 4 thìa cháo loãng với canh rau mỗi ngày, nửa tháng mới được tắm..., đa số tù nhân tại đây đều nhắm mắt thừa nhận mọi tội danh họ bị quy kết để mong sớm được chết.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì họ cũng phải ra đi trong tột cùng đau đớn. Các vụ hành quyết ở Tuol Sleng thường được tiến hành theo cách hết sức man rợ như cắt cổ, mổ bụng, đập chết bằng búa, cuốc chim hay dìm cho chết đuối.

Tới nay, những vết máu bắn ra sau các vụ tra tấn, hành quyết tù nhân tại nơi này vẫn còn in hằn trên tường và trần nhà.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại