Nhà cửa tan hoang, gia đình tan tác
Đứng ở cửa ra vào của ngôi nhà cũ đã bị hư hại nặng vì nhiều năm thiếu người chăm sóc, ông Triệu Tác Hải hướng mắt về phía cậu con trai cả Triệu Lượng đang ngồi trên giường. Sau khoảng 10 giây nhìn nhau trong im lặng, ông Triệu ấp úng nói "Con đã về" rồi từ từ đi về phía cậu con trai vẫn đang ngồi yên lặng trên giường, đầu hơi cúi xuống.
11 năm cha đi tù oan cũng là ngần ấy thời gian Triệu Lượng không quay trở về quê cũ. Anh mới ở nhà được vài tiếng sau khi bắt chuyến tàu đêm về kịp ngày cha được trả tự do.
Thấy cha đứng trước mặt, Triệu Lượng chỉ ngượng ngùng gọi duy nhất một từ "Cha". Rồi, không ai nói với ai lời nào, ông Triệu cầm bát nước tu một hơi và đưa cho cậu con trai một gói thuốc lá.
Ông Triệu Tác Hải
Án tù oan nghiệt đã khiến gia đình ông Triệu Tác Hải tan nát. Vợ ông Triệu, người từng bị cảnh sát giam giữ và tra tấn gần 1 tháng để buộc phải trở thành nhân chứng chống lại chồng, đã tái hôn sau đó không lâu và mang theo 2 người con trai. Hai người con còn lại được gửi làm con nuôi tại gia đình người dân cùng làng. Triệu Lượng kể lại rằng anh không liên lạc thường xuyên với các em trai mình, cũng không thể chăm sóc, chu cấp cho các em, “Thậm chí tôi còn không có đủ tiền cắt tóc…”.
Người tù oan Triệu Tác Hải và con trai
"Tôi ngồi đó, dùng hình ảnh của mình để nhắc nhở họ về công lý"
Gần 1 năm sau khi được ra tù, ông Triệu đã bắt đầu cuộc sống mới đầy bận rộn với vai trò là một đại biểu cho người dân. Sắp xếp công việc đồng áng, chăn nuôi, ông đã tới tham dự hơn 150 phiên toà khắp Trung Quốc, từ Thượng Hải, Bắc Kinh tới Thành Đô.... Rất nhiều nguyên đơn và cả bị đơn ở khắp nơi đã tìm tới, mời ông ngồi trong phiên toà của mình và phần nào giúp đảm bảo rằng công lý được thực thi. Ông Triệu kể rằng, tại những phiên toà ông tới, dường như thẩm phán có phần dè chừng, thận trọng hơn.
"Tôi không biết nhiều về luật, nhưng thẩm phán biết tôi, và tôi ngồi đó, dùng hình ảnh của mình để nhắc nhở họ về công lý" - ông nói đây là điều tối thiểu ông có thể làm để giúp đỡ người khác.
Ông Triệu tâm sự rằng ông không ngại khi đi tới bất cứ đâu ở Trung Quốc nếu có thể giúp mọi người tránh được những oan khuất mà ông phải chịu đựng. "Tôi sẵn sàng giúp đỡ miễn phí, nhưng nếu tôi phải tự trả vé của mình, tôi chắc phải tiêu hết cả tiền bồi thường", người đàn ông này cười nói.
Ông Triệu nói rằng, ông đã dùng nhiều phần trong số tiền bồi thường 650.000 nhân dân tệ để làm đám cưới cho con trai cả, phần còn lại sẽ để hỗ trợ cho những người con khác khi cần. Ông bộc bạch: "Trong suốt 11 năm tôi vắng mặt trong cuộc đời của các con, tôi nghĩ tôi vẫn còn nợ chúng”. Ông đã cố gắng làm nhiều việc để xích lại gần hơn với 4 cậu con trai gần như đã mất liên lạc suốt ngần ấy năm sống trong tù.
Vụ việc của ông Triệu Tác Hải là một trong những vụ án oan nổi tiếng nhất trong ngành tư pháp Trung Quốc những năm trở lại đây. Truyền thông và báo chí Trung Quốc đã từng gọi ông Triệu là She Xianglin của Hà Nam (Ông She Xianglin cũng từng phải chịu án tù 11 năm vì tội giết người và chỉ được minh oan khi “nạn nhân” khoẻ mạnh trở về).
Tháng 5/1999, Triệu Tác Hải bị bắt vì bị nghi giết người và chặt đầu người hàng xóm Triệu Chấn Thường. Từ năm 1999 đến năm 2001, qua các phiên xử, Triệu Tác Hải đã phải nhận tội giết người đến 9 lần. Ngày 5/12/2002, ông Triệu chính thức bị kết án tử hình vì tội danh giết người, song sau đó đã được giảm án xuống còn 29 năm tù giam.
Ngày 30/4/2010, khi Triệu Chấn Thường bất ngờ trở về quê cũ thì sự việc mới vỡ lẽ, oan khuất mà ông Triệu Tác Hải phải chịu đựng mới được hoá giải. Ngày 13/5, người tù khốn khổ này chính thức được trả tự do.