Nghi án tử hình nhầm: "Con ơi, còn sống mẹ sẽ còn kêu oan!"

My Lan |

(Soha.vn) - "Tôi đã nói chuyện với con trai nhiều lần trước mộ nó: Con trai, con phải đấu tranh cho lẽ phải trong thế giới của con, mẹ sẽ đấu tranh vì con trong thế giới của mình".

 Loạt bài BỨC CUNG, NHỤC HÌNH VÀ CÁC VỤ ÁN OAN CHẤN ĐỘNG

Nhiếp Thụ Bân mồ yên mả đẹp đã 18 năm. Còn từ khi nghi án tử hình nhầm được đặt ra đến nay cũng đã 8 năm. Trong suốt quãng thời gian đó, không thể đo hết được nước mắt mà những người thân của người thanh niên này đã khóc anh. Cũng không thể tính được quãng đường mà người mẹ mòn mỏi của anh đã đi qua để minh oan cho con trai.

"Nó nhìn tôi, khóc gọi mẹ"

Những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2011, khi người dân làng Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đang háo hức mổ cừu đón Tết thì sân nhà ông Nhiếp - bà Trương, bố mẹ của Nhiếp Thụ Bân vẫn vắng hiu. Kể từ khi Nhiếp Thụ Bân bị tử hình vì tội danh hãm hiếp, giết hại một nữ công nhân nhiều năm về trước, gia đình ông bà đã trải qua những ngày tháng tủi nhục, đau đớn.

Hàng xóm nhiếc móc, cạnh khóe. Họ hàng xa lánh. Hai ông bà sống lầm lụi với nhau trong căn nhà tồi tàn, lạnh ngắt.

Nhớ lại những gì đã xảy ra với con trai mình, ông Nhiếp tức giận: “Con trai tôi nói lắp. Thằng bé còn không biết chống cự lại khi bị những đứa trẻ khác bắt nạt thì làm sao cãi được trước tòa”.

Quá uất ức vì tin rằng con trai bị tử hình oan, ông Nhiếp đã 2 lần uống thuốc sâu tự tử. Nhưng Trời không cho ông chết mà lại bắt ông liệt nửa người. Vợ ông, bà Trương Hoán Chi, bất đắc dĩ trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hai vợ chồng già sống chủ yếu nhờ đồng lương hưu còm cõi 915 nhân dân tệ/tháng (khoảng 3 triệu đồng) của ông Nhiếp.

Tài sản quý giá nhất của ông bà - hai tấm ảnh của Nhiếp Thụ Bân và những văn bản pháp lý liên quan tới vụ án của con - luôn được bà Trương cất cẩn thận trong chiếc túi Ziploc.

"Thằng bé mới 20 tuổi. Ảnh này được chụp ngay tại đây, ở sân nhà của chúng tôi", bà vừa nói vừa chỉ vào hai bức ảnh nay đã phai màu. Trong cả 2 tấm ảnh, Nhiếp đều cười rất rạng rỡ trước ống kính. Vài tháng sau đó, Nhiếp bị bắt và khi trở về qua mảnh sân đó thì chỉ còn là một nắm tro tàn.

 	Những bức ảnh chụp Nhiếp Chính Bân là tài sản vô cùng quý giá của vợ chồng bà Trương Hoán Chi.

Những bức ảnh chụp Nhiếp Thụ Bân là tài sản vô cùng quý giá của vợ chồng bà Trương Hoán Chi.

Bà Trương nói sau khi Nhiếp Thụ Bân bị bắt, mặc dù cảnh sát địa phương nhiều lần tới thẩm vấn và lục soát nhà bà, song đều không giải thích vì sao họ lại bắt cậu con trai duy nhất của bà đi.

Nhiếp bị xử kín rồi bị tử hình chóng vánh. Ngày 28/4/1995 khi cha của Nhiếp mang quần áo mới tới cho con trai mình tại trại giam, người quản giáo nói với ông rằng sau này không cần đến nữa, vì con trai ông đã bị xử tử ngày hôm trước. Rồi mãi cho đến mùa thu 4 năm sau đó, gia đình Nhiếp mới đòi lại được phần tro cốt của cậu từ lò thiêu.

Cho tới giờ, bà Trương vẫn nhớ như in hình ảnh của Nhiếp trong lần cuối cùng được gặp con: "Tại tòa, thằng bé ở tầng 2. Cảnh sát đã giữ tôi và không cho tôi tới gần con. Tôi đã hét tên nó và rồi nó nhìn tôi, khóc gọi mẹ".

Cũng như chồng, bà Trương không bao giờ tin rằng con trai mình dám làm cái việc động trời kia: "Không có bất cứ nhân chứng nào hoặc bằng chứng chắc chắn nào. Họ không thu thập dấu vân tay, dấu chân hoặc tiến hành xét nghiệm ADN. Chiếc xe đạp màu xanh mà con trai tôi đi khi bị bắt là thứ duy nhất phù hợp với kết quả điều tra…Vào dịp Tết, thậm chí đến con gà nó còn chẳng dám giết”.

“Hành trình chạy đua với thời gian của một người mẹ”

Cẩn thận lấy những văn bản pháp lý từ trong chiếc túi xách ra và bày lên bàn, bà Trương đã kể lại câu chuyện đằng sau những giấy tờ này, câu chuyện của 8 năm đơn độc đi tìm công lý cho đứa con trai đã chết: bản sao lời tuyên án dành cho Nhiếp Thụ Bân, trong đó kể chi tiết "tội danh" của anh này, một lá thư năm 2007 mà Tòa án nhân dân Bắc Kinh chỉ đạo tòa án nhân dân Hà Bắc giải quyết khiếu nại của bà...

Chăm chồng ốm đau, lo toan công việc gia đình, song bà Trương vẫn không ngừng kêu oan: “Suốt hơn 10 năm qua, bất cứ khi nào rảnh tay khỏi công việc nhà và việc đồng áng là tôi lại lặn lội tới toà án. Tôi đạp xe tới bến xe bus gần nhất rồi bắt chuyến xe đi 2 tiếng tới Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc... Lần nào họ cũng bảo tôi đợi và đi đi… Tôi không cần ai phải chịu trách nhiệm, tôi không cần chính phủ bồi thường, tôi cũng không cần thẩm phán mang con tôi trở lại. Tôi chỉ cần sự vô tội của con tôi".

 	Suốt hơn 10 năm qua, bà Trương Hoán Chi vẫn kiên trì đi tìm lại sự trong sạch cho cậu con trai đã chết.

Suốt 8 năm qua, bà Trương Hoán Chi vẫn kiên trì đi tìm lại sự trong sạch cho cậu con trai đã chết.

Gia đình bà Trương đã nhờ thêm nhiều luật sư để đấu tranh giành lại sự trong sạch cho Nhiếp, nhưng cho tới giờ, bà vẫn chưa được toại nguyện. Bà nói với phóng viên tờ Hoàn Cầu rằng, chị gái của Nhiếp đã bị lãnh đạo cơ quan gây áp lực. Họ đe rằng, cô và gia đình không được tiếp tục vụ kiện nữa nếu muốn được yên ổn.

Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sương gió, bà Trương bộc bạch: "Tôi đã già và chồng tôi thì ốm yếu. Những gánh nặng này và những trở ngại mà tôi gặp phải khi đấu tranh vì công lý đã khiến tôi kiệt sức. Nhưng tôi luôn dặn với bản thân mình rằng, tôi đã làm việc này suốt những năm qua rồi và chừng nào còn sống, tôi sẽ không bỏ cuộc".

"Tôi đã nói chuyện với con trai tôi nhiều lần trước mộ nó. Tôi nói rằng: Con trai, con phải đấu tranh cho lẽ phải trong thế giới của con, và mẹ sẽ đấu tranh vì con trong thế giới của mình. Còn sống, mẹ sẽ còn kêu oan".

Ngồi cách vợ không xa, ông Nhiếp cũng khóc nức nở khi cầm trên tay bài báo viết về vợ mình với tiêu đề: “Hành trình chạy đua với thời gian của một người mẹ” (A mother’s run against time).

Vụ án Nhiếp Thụ Bân là một trường hợp đặc biệt của ngành tòa án Trung Quốc. Nam thanh niên 20 tuổi người Thạch Gia Trang, bị cảnh sát bắt giữ vào tháng 10/1994 vì bị coi là nghi phạm hãm hiếp và giết hại một nữ công nhân. Nhiếp bị tử hình đầu năm 1995.

Năm 2005, Vương Thư Kim, bị cáo trong một vụ án hiếp dâm và giết người hàng loạt khác đã bất ngờ thừa nhận tội danh mà vì nó, Nhiếp Thụ Bân bị tử hình. Nhưng qua 2 phiên tòa, các thẩm phán vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng. Vụ việc đã được đệ trình lên Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc xem xét.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại