Căng thẳng Saudi - Iran chưa đủ để giới buôn dầu ở Mỹ, Nga ăn mừng

Nhàn Đàm |

Một hy vọng mới chớm lóe lên cho thị trường dầu lửa thế giới, khi vào phiên giao dịch đầu năm 4/1/2016 giá dầu đã lần đầu tiên tăng trở lại sau một thời gian khá dài rơi vào tình trạng sụt giảm.

Giá dầu Brent trong phiên giao dịch ngày 4/1 đã tăng gần 1,8% để đưa dầu trở lại mức giá 37,94 USD/thùng.

Nhìn bề ngoài, đây có vẻ như là một tín hiệu tốt cho thị trường dầu lửa thế giới trong năm 2016, nhưng trên thực tế nó dường như giống với một động thái đột xuất và ngoại lệ mà thôi.

Xu hướng giá dầu lửa tiếp tục suy giảm trong năm 2016 là quá mạnh để có thể đảo ngược, trừ phi nó vượt qua giới hạn cuối cùng: một cuộc chiến tranh.

Lý do khiến giá dầu lửa thế giới tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 4/1 được cho là bắt nguồn từ sự kiện Ả Rập Saudi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia cùng khu vực Trung Đông là Iran.

Nguyên nhân dẫn đến sự kiện này là việc chính phủ Ả Rập Saudi đã quyết định hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr Al-Nimr mà nước này buộc tội là một kẻ khủng bố, việc Saudi hành quyết một giáo sĩ dòng Shiite đã khiến người dân Iran nổi giận.

Những người biểu tình Iran đã tấn công đại sứ quán Saudi ở Tehran và đốt phá, khiến chính phủ Saudi đi đến quyết định chấm dứt các quan hệ ngoại giao với nước này.

Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Adel Al-Jubeir, thậm chí còn cảnh báo Saudi sẽ xem xét cắt đứt nốt các mối quan hệ đi lại bằng đường hàng không với Iran, hay thậm chí là cả quan hệ thương mại với Tehran cũng như ra lệnh cấm người dân Saudi tới Iran.

Việc hai quốc gia Trung Đông đang nằm trong số các nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới căng thẳng với nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng trở lại.

Vì một phản ứng khá thường thấy trên thị trường dầu lửa thế giới là, bất cứ khi nào có một sự kiện có thể gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu, thì giá dầu thường sẽ nhích lên như một sự phản ứng, bất kể sự kiện đó có ảnh hưởng đến đâu.

Điều tương tự cũng từng xảy ra khi nước láng giềng của Ả Rập Saudi là Yemen rơi vào tay quân đối lập, việc một sự kiện có thể khiến hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu xuất khẩu của Saudi bị ảnh hưởng đã ngay lập tức khiến giá dầu tăng vọt.

Dù sau đó thực tế đã chứng minh là điều này đã không ảnh hưởng gì nhiều đến Saudi, và giá dầu đã nhanh chóng bình ổn trở lại.

Sự kiện lần này có lẽ cũng tương tự, khi mà căng thẳng giữa Saudi và Iran chỉ diễn ra trên lĩnh vực ngoại giao, gần như rất ít có khả năng tác động tới giá dầu.

Kể cả khi vụ căng thẳng này có dẫn đến việc hoặc Saudi hoặc Iran giảm sản lượng xuất khẩu dầu đi nữa, thì vẫn là chưa đủ để đảo ngược lại xu thế giá dầu sụt giảm do dư thừa nguồn cung như hiện nay.

Cả ba quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới hiện nay là Nga, Ả Rập Saudi và Mỹ vẫn đang tiếp tục gia tăng sản lượng khai thác dù giá dầu đã suy giảm đáng kể.

Đây được xem là một cuộc chiến tranh giành thị phần lớn nhất từng diễn ra trên thị trường dầu lửa thế giới.

Một khi vẫn dư thừa nguồn cung lớn như hiện nay, thì khó có điều gì có thể ngăn chặn xu hướng này, trừ phi là một cuộc chiến tranh giống như chiến tranh vùng Vịnh trong thế kỷ 20.

Thậm chí, vụ căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và Iran này còn có thể khiến giá dầu sụt giảm hơn nữa, do nó có thể khiến Saudi có thêm lý do để kích hoạt việc tăng sản lượng khai thác của mình.

Đến tháng 9/2015 Ả Rập Saudi đã chính thức soán ngôi Nga để trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới, với sản lượng 10,19 triệu thùng/ngày so với mức 10,12 triệu thùng/ngày của Nga.

Sang tháng 12/2015 con số này được đẩy lên 10,25 triệu thùng/ngày. Chính điều này đã khiến giá dầu tiếp tục suy giảm trong thời gian qua.

Và giờ đây, Saudi lại càng có thêm lý do để tăng sản lượng, khi điều này có thể tạo thành một sức ép lớn lên hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran vốn chuẩn bị được phục hồi do các lệnh cấm vận của phương Tây vừa chấm dứt.

Sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu hiện nay của Iran rơi vào khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, và nếu Saudi cứ tăng sản lượng để khiến giá dầu sụt giảm mạnh như hiện nay, thì rõ ràng Iran sẽ phải chịu một sức ép lớn.

Dĩ nhiên là điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới Ả Rập Saudi, khi mà mức thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2015 đã lên tới mức kỷ lục là 98 tỷ USD do giá dầu sụt giảm.

Nhưng bất chấp những điều đó thì sản lượng khai thác của Saudi vẫn đang tăng lên liên tục trong vài tháng qua.

Quốc gia đứng đầu OPEC này có vẻ như đang tận dụng hết mọi cách để giành chiến thắng trong cuộc chiến thị phần này với Nga và Mỹ.

Ở trong nước, chính phủ Saudi đã nâng giá xăng lên 50%, các mặt hàng khác như điện và nước cũng tăng lên, cũng như buộc giới siêu giàu ở nước này phải cùng đứng ra chịu thiệt hại với chính phủ.

Đã nhiều năm qua, Saudi duy trì chính sách ưu đãi và hỗ trợ ngân sách rất hào phóng với người dân thông qua thu nhập từ dầu mỏ, biến nước này thành một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất cao trên thế giới.

Và giờ đây, có vẻ như chính phủ Ả Rập Saudi đang muốn người dân phải san sẻ một phần gánh nặng của chính phủ thông qua việc tăng giá xăng, điện, nước.

Ở nước ngoài, các động thái của Saudi cũng nhộn nhịp không kém. Ả Rập Saudi tăng cường tranh chấp thị phần với Nga và Mỹ tại châu Âu và châu Á.

Tại châu Âu, Saudi đang ve vãn Ba Lan, nước có truyền thống nhập khẩu dầu lửa từ Nga. Tại châu Á, Saudi tự tin đến mức tăng giá dầu bán cho các nhà máy lọc dầu ở đây.

Tập đoàn dầu lửa quốc gia của Saudi là Saudi Aramco vừa ra thông báo sẽ tăng giá bán mỗi thùng dầu cho các nhà máy lọc dầu ở châu Á thêm từ 60 đến 80 cent.

Lọc và tinh chế dầu luôn được xem là khâu đem lại nhiều lợi nhuận nhất trong nhiều năm qua, và đó là lý do Saudi Aramco dùng các mối quan hệ mua bán bấy lâu nay để buộc các tập đoàn lọc dầu bạn hàng truyền thống ở châu Á phải chia sẻ gánh nặng với mình.

Cơ hội duy nhất để vực dậy giá dầu trong năm 2016 là sự rút lui hoặc giảm đầu tư vào khai thác dầu của một số tập đoàn phương Tây.

Hai hãng dầu Mỹ là Chevron và ConocoPhillips vừa công bố kế hoạch cắt giảm ¼ ngân sách trong năm 2016. Tập đoàn Royal Dutch Shell của Hà Lan nhiều khả năng sẽ giảm đầu tư một khoản là 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là điều có thể khiến giá dầu chắc chắn được vực dậy. Trong nửa đầu năm 2015 các công ty dầu phiến Mỹ cũng gặp khó khăn và đóng cửa hàng loạt, nhưng sản lượng khai thác của Mỹ vẫn tăng lên không ngừng.

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ có một cách duy nhất có thể vực dậy giá dầu, đó là một cuộc chiến tranh nổ ra, kéo theo một hoặc vài nước xuất khẩu dầu lửa lớn trên thế giới vào cuộc, giống như cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

Trong bối cảnh Trung Đông hiện nay, giá dầu có thể tăng trở lại nếu như quân IS mở rộng phạm vi chiếm đóng có thể đe dọa cả Saudi lẫn Iran để buộc hai cường quốc ở Trung Đông này tham chiến.

Đến lúc đó, có thể hy vọng giá dầu sẽ quay trở lại trên 100 USD/thùng, dù cái giá cao ngất ngưởng ấy có lẽ phải đổi bằng không ít xương máu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại